Chủ nhật, 26/01/2025
IMG-LOGO

Câu hỏi:

23/07/2024 172

Có ý kiến cho rằng: “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy, nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nôi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong các tác phẩm của mình”. Hãy làm sáng tỏ điều đó bằng cảm nhận của anh/chị về những đoạn văn sau:

     [...] Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân... Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về...

(Nguyễn Tuân - Người lái đò Sông Đà)

   [...] Từ tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản đế sac nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nên trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả ...

(Hoàng Phủ Ngọc Tường – Ai đã đặt tên cho dòng sông?)

Trả lời:

verified Giải bởi qa.haylamdo.com

 • Yêu cầu chung:

Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục rõ ràng, đầy đủ; văn viết có cảm xúc, thế hiện khả năng phân tích, cảm thụ.

Diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

• Yêu cầu cụ thể:

ĐỌC HIỂU YÊU CẦU ĐỀ

- Đối tượng chính, trọng tâm kiến thức: Ai đã đặt tên cho dòng sông, Người lái đò Sông Đà

- Dạng bài: bàn luận một ý kiến, so sánh

- Yêu cầu: Thông qua việc phân tích, cảm nhận các đoạn văn của hai tác phẩm khác nhau, So sánh phong cách nghệ thuật của hai nhà văn, đồng thời giải thích bình luận về ý kiến: văn chương là cái lĩnh vực của sự độc đáo.

TIẾN TRÌNH BÀI LÀM

KIẾN THỨC

HỆ THỐNG Ý

NỘI DUNG CẦN ĐẠT

ĐIỂM

CHUNG

Khái quát vài nét về tác giả - tác phẩm

- Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn có sở trường về thể loại bút kí, tùy bút. Tác phẩm của ông luôn có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và trữ tình; giữa nghị luận sắc bén với trình bày giàu chất thơ và sự vận dụng tổng hợp tri thức triết học, địa lí, lịch sử, văn hoá... Lối hành văn trong bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường thường hướng nội, súc tích, mê đắm và rất mực tài hoa. Bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? được Hoàng Phủ Ngọc Tường viết năm 1981 bằng tình yêu, sự gắn bó hơn nửa cuộc đời với mảnh đất, cảnh vật, con người xứ Huế. Tác phẩm được in trong tập bút kí cùng tên năm 1986. Ban đầu, tác giả đặt tên là: Hương ơi, e phải mày chăng?

- Nguyễn Tuân là nhà văn lớn của nền văn học hiện đại, ông có nhiều những thành tựu nghệ thuật xuất sắc. Đặc biệt, ông tạo lập được cho mình được một phong cách nghệ thuật độc đáo: văn chương tài hoa, uyên bác. Nguyên Tuân là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, luôn khám phá thế giới ở bình diện văn hóa, thẩm mỹ, luôn miêu tả con người trong vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ. Người lái đò Sông Đà - tùy bút xuất sắc được in trong tập Sông Đà 1960, là thành quả của một chuyến đi gian khổ nhưng rất hứng thú của nhà văn vào những năm 1958 - 1960. Chuyến đi đã thỏa mãn niềm khát khao xê dịch, đi để tìm kiếm vẻ đẹp của thiên nhiên, miền đất Tây Bắc, tìm ra thứ “vàng mười” đã qua thử lửa trong vẻ đẹp của con người miền Tây Bắc.

0.5

TRỌNG

TÂM

Giải thích ý kiến

- Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo: Nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng là lĩnh vực của cái độc đáo, độc đáo trong việc đi tìm cái đẹp của cuộc sống để tạo nên tác phẩm, trong việc sáng tạo nên cái đẹp, cái riêng của tác giả ở tác phẩm.

- Nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong các tác phẩm của mình: Tác phẩm nghệ thuật nói chung, tác phẩm văn chương nói riêng đòi hỏi sự sáng tạo, mới lạ, độc đáo, thể hiện tài năng, dấu ấn cá nhân của tác giả.

0.5

Ai đã đặt tên cho dòng sông

- Vẻ đẹp ở ngoại vi thành phố: vẻ đẹp đa sắc màu:

+ Sông Hương ở ngoại vi thành phố miêu tả lại thuỷ trình của dòng sông khi chảy về với Huế, nhưng trong cảm quan nhà văn, đó là cuộc hành trình của người con gái Hương giang tìm đến với người tình xứ Huế.

+ Khi trôi qua những dãy đồi sừng sững, sông Hương phải uốn dòng chảy, và qua hướng chảy lắt léo đó, sông Hương đã phô ra được những đường cong quyến rũ của nó. Tại nơi đây, sông Hương mềm đi như một dải lụa.

+ Đặc biệt hơn, khi uốn mình qua hai dãy đồi sừng sững như thành quách, những ngọn đồi ấy đã tạo nên chiếc áo màu sắc để khoác lên mình người con gái Hương giang. Khiến cô gái ấy thêm phần lộng lẫy và xinh đẹp.

1.0

Người lái đò Sông Đà

- Sông Đà trữ tình:

+ Có lẽ, từ điểm nhìn rất cao, hình ảnh Sông Đà đã hóa thành sợi dây thừng ngoằn ngoèo, và khi tàu bay hạ xuống, dòng sông đã hóa thành áng tóc trữ tình tuôn dài tuôn dài. Liên tưởng dòng sông như mái tóc óng ả để buông lơi, chảy dài đến bất tận.

+ Xuyên qua màn mây, dòng sông còn hiện lên qua màu sắc biến ảo. Nguyễn Tuân phát hiện ra vẻ đẹp của sắc nước sông Đà thay đổi theo mùa. Mùa xuân, nước sông Đà xanh ngọc bích “chứ không xanh màu xanh canh hến của nước sông Gâm, sông Lô”. Mùa thu, nước sông Đà “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội độ thu về”. Câu văn sử dụng phép so sánh “lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa” khiến người đọc hình dung được vẻ đẹp đa dạng của sắc nước sông Đà.

1.5

So sánh

- Tương đồng: Điểm gặp nhau giữa Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường: Đi tìm cái đẹp và thể hiện cái đẹp bằng ngòi bút tài hoa, độc đáo tạo được nét riêng, mới lạ qua hình ảnh dòng sông.

- Khác biệt:

+ Nguyễn Tuân tài hoa, uyên bác: luôn nhìn sự vật, hiện tượng ở nhiều góc độ để khám phá, phát hiện; vận dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực, tổng hợp cảm nhận của các giác quan để khám phá đối tượng.

+ Ẩn trong câu chữ biến hóa là vẻ đẹp lấp lánh ánh sáng trí tuệ, tri thức và cả chất phong tình, tài hoa, lãng mạn từ tâm hồn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

0.5

Đánh giá, bàn luận

- Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, sông Đà như một công trình thẩm mĩ, một kì công nghệ thuật.

- Trang viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường là khám phá của tác giả về vẻ đẹp vừa “phóng khoáng và man dại” vừa “dịu dàng và say đắm” của dòng sông, là kết quả của trí tưởng tượng đầy tài hoa.

0.5

Bài làm mẫu:

Nước ta được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho hệ thống sông ngòi dày đặc. Có những dòng sông “quê hương, yêu thương” đầy thơ mộng, kỳ vỹ và nó đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn, nhà thơ viết lên những tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc. Tiêu biểu là tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân và bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Thành công của hai tác phẩm trên chính là việc xây dựng hình tượng hai con sông là Đà giang và Hương giang. Ở hai con sông này, bên cạnh những nét khác biệt, chúng còn có những nét tương đồng. Đây phải chăng là sự gặp gỡ của hai nhà văn lớn khi cùng miêu tả về các con sông khác nhau trên mảnh đất Việt Nam. Đặc biệt với cảnh sông Đà từ góc nhìn trên tàu bay trong Người lái đò Sông Đà và cảnh sông Hương ở ngoại vi thành phố trong Ai đã đặt tên cho dòng sông?, ta đều thấy bật lên được sự tài hoa trong từng ngòi bút, như một nhà phê bình đã từng nhận xét: “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đảo, vì vậy, nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nối bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong các tác phẩm của mình”

Nhắc đến Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhắc đến nhà văn có phong cách độc đáo và đặc biệt sở trường về thể loại bút kí, tùy bút. Tác phẩm của ông luôn có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và trữ tình; giữa nghị luận sắc bén với trình bày giàu chất thơ và sự vận dụng tống hợp tri thức triết học, địa lí, lịch sử, văn hoá... Lối hành văn trong bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường thường hướng nội, súc tích, mê đắm và rất mực tài hoa. Bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? được Hoàng Phủ Ngọc Tường viết năm 1981 bằng tình yêu, sự gắn bó hơn nửa cuộc đời với mảnh đất, cảnh vật, con người xứ Huế. Tác phẩm được in trong tập bút kí cùng tên năm 1986. Ban đầu, tác giả đặt tên là: Hương ơi, e phải mày chăng? Vị trí trích đoạn thuộc phần đầu của thiên tùy bút, là một trong những trích đoạn hay nhất khi nhà văn miêu tả con sông Hương ở ngoại vi thành phố.

Còn nhắc đến Nguyễn Tuân, điều đầu tiên phải khẳng định, đó là nhà văn lớn của nền văn học hiện đại. Nguyễn Tuân tạo lập được cho mình được một phong cách nghệ thuật độc đáo: văn chương tài hoa, uyên bác. Ông là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, luôn khám phá thế giới ở bình diện văn hóa, thẩm mỹ, luôn miêu tả con người trong vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ. Người lái đò Sông Đà - tùy bút xuất sắc được in trong tập sông Đà 1960. Là thành quả của một chuyến đi gian khổ nhưng rất hứng thú của nhà văn vào những năm 1958 - 1960. Chuyến đi đã thỏa mãn niềm khát khao xê dịch, đi để tìm kiếm vẻ đẹp của thiên nhiên, miền đất Tây Bắc, tìm ra thứ “vàng mười” đã qua thử lửa trong vẻ đẹp của con người miền Tây Bắc. Vị trí trích đoạn trích là khúc Nguyên Tuân say sưa miêu tả Đà giang phía hạ nguồn, qua góc nhìn trên tàu bay.

Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong các tác phẩm của mình. Có thể nói, nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng là lĩnh vực của cái độc đáo, độc đáo trong việc đi tìm cái đẹp của cuộc sống để tạo nên tác phẩm, trong việc sáng tạo nên cái đẹp, cái riêng của tác giả ở tác phẩm. Tác phẩm nghệ thuật nói chung, tác phẩm văn chương nói riêng đòi hỏi sự sáng tạo, mới lạ, độc đáo, thể hiện tài năng, dấu ấn cá nhân của tác giả. Nếu nhà văn không chịu tìm tòi, không đào sâu, khám phá, khơi những nguồn chưa ai khơi, nhà văn đó sẽ là một bản sao của kẻ khác. Trong làng văn, Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường xứng đáng là cây đa cây đề, là những kẻ tiên phong trên hành trình văn chương nhiều vinh dự mà cũng lắm cực nhọc.

Trước hết với Hoàng Phủ Ngọc Tường qua cái nhìn về dòng Hương giang ở ngoại vi thành phố, có ai đã từng tưởng tượng về một dòng sông như thế này: “Từ tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả ...”

Sông Hương ở ngoại vi thành phố miêu tả lại thuỷ trình của dòng sông khi chảy về với Huế, nhưng trong cảm quan nhà văn, đó là cuộc hành trình của người con gái Hương giang tìm đến với người tình xứ Huế. Vẻ đẹp của sông Hương là vẻ đẹp được tô điểm qua thử thách. Khi chảy qua lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản, giống như là một bể lọc lớn, để nước sông Hương trở nên xanh thẳm, phải chăng giống như người con gái, sông Hương đang tự làm mới mình. Khi trôi qua những dãy đồi sừng sững, sông Hương phải uốn dòng chảy, và qua hướng chảy lắt léo đó, sông Hương đã phô ra được những đường cong quyến rũ của nó. Tại nơi đây, sông Hương mềm đi như một dải lụa. Đặc biệt hơn, khi uốn mình qua hai dãy đồi sừng sững như thành quách, những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố: “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”, hay nói cách khác, những ngọn đồi ấy đã tạo nên chiếc áo màu sắc để khoác lên mình người con gái Hương giang. Khiến cô gái ấy thêm phần lộng lẫy và xinh đẹp.

Với Nguyễn Tuân, khi nhìn từ tàu bay, góc nhìn có thể bao quát hết sắc diện Đà giang, những dòng liên tưởng và miêu tả phóng khoáng đã bung nở trên trang văn xuân sắc hơn bao giờ hết: “Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân... Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gầm sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về...”

Từ trên cao nhìn xuống, quả là điểm quan sát thật lý tưởng để có thể thu vào tầm mắt dòng chảy Sông Đà. Nguyễn Tuân đã đưa ra hai liên tưởng vô cùng mới mẻ, chưa từng thấy về hình dáng con sông. Có lẽ, từ điểm nhìn rất cao, hình ảnh Sông Đà đã hóa thành sợi dây thừng ngoằn ngoèo, và khi tàu bay hạ xuống, dòng sông đã hóa thành áng tóc trữ tình tuôn dài tuôn dài. Liên tưởng dòng sông như mái tóc óng ả để buông lơi, chảy dài đến bất tận. Hoa ban trắng, hoa gạo đỏ đôi bờ bung nở như nhánh xuân cài lên mái tóc, lại ẩn hiện mờ ảo trong sương khói Tây Bắc, đó là vẻ đẹp rất thơ, vẻ đẹp của người thiếu nữ bước ra từ cõi tiên, mà mái tóc nàng làm bừng hương sắc, xao động đất trời. Xuyên qua màn mây, dòng sông còn hiện lên qua màu sắc biến ảo. Chính vẻ đẹp của mây trời đã tạo cho con sông Đà một vẻ đẹp riêng không trộn lẫn. Nguyễn Tuân phát hiện ra vẻ đẹp của sắc nước sông Đà thay đổi theo mùa. Mùa xuân, nước sông Đà xanh ngọc bích “chứ không xanh màu xanh canh hến của nước sông Gâm, sông Lô”. Xanh ngọc bích là xanh trong, xanh sáng, xanh biếc - một sắc màu gợi cảm, trong lành. Đó là sắc màu của nước, của núi, của da trời. Mùa thu, nước sông Đà “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội độ thu về”. Câu văn sử dụng phép so sánh “lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa” khiến người đọc hình dung được vẻ đẹp đa dạng của sắc nước sông Đà. Cách miêu tả sắc đỏ màu thu Sông Đà của Nguyễn Tuân cũng thật độc đáo. Đỏ bầm, màu đỏ không gắt, không nhạt, mang trong mình chút hồng hào, pha vào đó sắc phù sa, lại không đục ngầu, màu sắc ấy còn mang dáng hình của kẻ say, hay là vì người đã quá say dòng sông, quá mê đắm cảnh sông nước Tây Bắc.

Điểm gặp nhau giữa Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường: là đi tìm cái đẹp và thể hiện cái đẹp bằng ngòi bút tài hoa, độc đáo tạo được nét riêng, mới lạ qua hình ảnh dòng sông. Qua những đoạn văn, hai tác giả thể hiện nét tài hoa, độc đáo trong phong cách nghệ thuật của mình, sự tỉ mỉ, kỳ công khi khắc hoạ hình tượng. Tuy nhiên, như ý kiến bàn luận, mỗi nhà văn đều tạo nên bầu khí quyển riêng trong hình tượng và phong cách. Nguyễn Tuân tài hoa, uyên bác luôn nhìn sự vật, hiện tượng ở nhiều góc độ để khám phá, phát hiện; vận dụng kiến thức của nhiều lĩnh vục, tổng hợp cảm nhận của các giác quan để khám phá đối tượng. Tất cả làm nên phong cách Nguyễn Tuân vừa độc đáo vừa phong phú. Dưới ngòi bút tài hoa của cụ Nguyễn, sông Đà như một công trình thẩm mĩ, một kì công nghệ thuật mà thiên nhiên ban tặng con người với hai đặc điểm: hung bạo, dữ dội và thơ mộng, trữ tình.

Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, ẩn trong câu chữ biến hóa là vẻ đẹp lấp lánh ánh sáng trí tuệ, tri thức và cả chất phong tình, tài hoa, lãng mạn từ tâm hồn nhà văn. Tất cả làm nên một ngòi bút độc đáo, sâu sắc mà tràn đầy cảm xúc... Trang viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường là khám phá của tác giả về vẻ đẹp vừa “phóng khoáng và man dại” vừa “dịu dàng và say đắm” của dòng sông, là kết quả của trí tưởng tượng đầy tài hoa. Cảnh sông ở đây được khắc họa với những hình ảnh đầy ấn tượng bằng năng lực quan sát tinh tế và sự phong phú về ngôn ngữ, phố là lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa của sông Hương qua phép nhân hóa khi miêu tả dòng chảy và cách đặc tả màu nước phản quang hai bên bờ và thay đổi trong ngày.

Có thể nói, bằng sự tinh tế, bằng sự khám phá và cái Tôi đầy trách nhiệm với nghiệp cầm bút, hai nhà văn đã góp cho đất nước những cảnh đẹp không lặp lại, trở thành những tượng đài ký khó có thể phai mờ.

Câu trả lời này có hữu ích không?

0

CÂU HỎI HOT CÙNG CHỦ ĐỀ

Câu 1:

Thông điệp ý nghĩa nhất mà anh/chị rút ra từ văn bản?

Xem đáp án » 21/04/2022 158

Câu 2:

Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu:

“Trong những thế kỉ qua, đã có những người đặt bước chân đầu tiên của họ trên những con đường mới; họ không được trang bị vũ khí gì ngoài tầm nhìn riêng của họ. Họ có mục đích khác nhau, nhưng tất cả đều có một sổ điều chung: bước chân của họ là bước chân đầu tiên, con đường của họ là con đường hoàn toàn mới, nhãn quan của họ không hề do vay mượn, và phản ứng mà họ nhận được luôn là sự căm ghét. Những nhà phát minh vĩ đại, những nghệ sĩ, những nhà tư tưởng... đều phải đơn độc chống lại những người cùng thời với họ. Động cơ máy đầu tiên bị coi là ngu xuẩn. Chiếc máy bay đầu tiên bị coi là không tưởng. Chiếc máy dệt đầu tiên bị coi là con ác quỷ. Việc gây mê bị coi là tội lỗi... Nhưng những người đó, với tầm nhìn không vay mượn, vẫn tiếp tục tiến lên. Họ đã chiến đẩu, họ đã đau khổ và họ phải trả giá. Nhưng họ đã chiến thắng.”

(Trích tiểu thuyết Suối nguồn, Ayn Rand)

Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng?

Xem đáp án » 21/04/2022 156

Câu 3:

Anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về giá trị của sự kiên định trên bước đường thành công của mỗi người.

Xem đáp án » 21/04/2022 137

Câu 4:

Trên con đường tân tiến, những bước chân đầu tiên sẽ luôn gặp những điều gì?

Xem đáp án » 21/04/2022 129

Câu 5:

Theo anh/chị, vì sao “Những nhà phát minh vĩ đại, những nghệ sĩ, những nhà tư tưởng... đều phải đơn độc chống lại những người cùng thời với họ”.

Xem đáp án » 21/04/2022 118

Câu hỏi mới nhất

Xem thêm »
Xem thêm »