Đề 16
-
7549 lượt thi
-
6 câu hỏi
-
30 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Bất cứ ai trong chúng ta cũng khao khát có được một cuộc sống đầy cảm hứng, hạnh phúc và thành công. Tuy nhiên, để đạt được những gì bạn thật sự mong ước, tất cả đều phải xuất phát từ việc nhận ra sự quan trọng và tìm được cho mình một thái độ sống thông minh và tích cực nhất.
Một thái độ sống tích cực sẽ giúp bạn luôn lạc quan, yêu đời, tự tin để nhẹ nhàng lướt qua mọi gian nan, thử thách trong cuộc sống. Ngược lại, một thái độ sống tiêu cực sẽ đóng chặt bạn vào những suy nghĩ, cách nhìn phiến diện, vị kỷ, tự ti, đau khổ và dễ dàng dẫn đến thất bại, bất hạnh.
Thái độ của bạn ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống và quyết định kết quả của mọi việc bạn làm.
Chúng ta ai cũng ít nhất một đôi lần mắc phải sai lầm, gặp thất bại, hay ở một trạng thái tinh thần chán nản tồi tệ – nhưng không vì thế mà chúng ta mãi bị ám ảnh, day dứt mà không bao giờ dám tin mình sẽ khác đi hay không dám làm một điều gì cả. Chính thái độ sống của chúng ta sau những va vấp ấy sẽ quyết định: Liệu chúng ta có cho phép mình trượt dài trên những thất bại triền miên hay sự va vấp ấy sẽ chính là một cơ hội, một bài học, một trải nghiệm quí báu để chúng ta vươn lên, vững vàng và hoàn thiện mình hơn?
(Thay Thái Độ – Đổi Cuộc Đời 2 – Keith D. Harrell)
Thực hiện các yêu cầu:
Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên ?
Câu 2:
Tác dụng của thái độ sống tích cực được nêu trong đoạn trích?
Tác dụng của thái độ sống tích cực được nêu trong đoạn trích.
Một thái độ sống tích cực sẽ giúp bạn luôn lạc quan, yêu đời, tự tin để nhẹ nhàng lướt qua mọi gian nan, thử thách trong cuộc sống.Câu 3:
Giải thích ý nghĩa câu: “Thái độ của bạn ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống và quyết định kết quả của mọi việc bạn làm.”
– Thái độ là một trạng thái cảm xúc, là phản ứng của con người với thế giới xung quanh.
– Câu nói “Thái độ của bạn ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống và quyết định kết quả của mọi việc bạn làm” nhấn mạnh yếu tố ảnh hưởng tới mọi khía cạnh trong cuộc sống và quyết định kết quả của mọi việc chính là thái độ của bạn.Câu 4:
Thí sinh bày tỏ được quan điểm cá nhân về thông điệp đoạn trích, từ đó đưa ra những hành động bản thân thấy cần thay đổi. Có thể tham khảo các ý sau:
– Thông điệp đoạn trích: Hãy thay đổi thái độ sống. Vì thay thái độ, đổi cuộc đời. Hãy luôn sống với những cảm xúc tích cực.
– Bản thân em thấy cần thay đổi:
+ Luôn suy nghĩ tích cực, sống lạc quan. Trước mọi công việc phải luôn nghĩ đến mục tiêu cuối cùng.
+ Luôn ước mơ hoài bão và quyết tâm thực hiện được giấc mơ.
+ Sống hòa đồng, giúp đỡ mọi người để tạo ra năng lượng cộng đồng và sự gắn kết.
+ Luôn thúc giục bản thân nỗ lực không ngừng, cũng như rèn luyện bản lĩnh, ý chí, nghị lực sống.Câu 5:
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vai trò của thái độ sống tích cực đối với mỗi người.
Yêu cầu chung
- Câu này kiểm tra năng lực viết đoạn nghị luận xã hội, đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ thái độ và chính kiến của mình để làm bài.
-Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ chủ kiến của mình nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
Yêu cầu cụ thể
Hình thức:
-Viết đúng 01 đoạn văn, khoảng 200 từ.
-Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,...
Nội dung:
a.Nêu vấn đề cần nghị luận: Vai trò của thái độ sống tích cực đối với mỗi người.
b.Giải thích
– Thái độ là một trạng thái cảm xúc, là phản ứng của con người với thế giới xung quanh.
– Thái độ sống tích cực là những giá trị tinh thần đem lại cho con người nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc khi thấy cuộc sống của mình có ích, được quý trọng, có được sự tự chủ, niềm lạc quan, sự vững vàng từ những trải nghiệm cuộc sống.
->Thái độ sống tích cực là phẩm chất đáng quý, là lối sống đẹp, cần thiết đối với mỗi người.
c. Bàn luận: Thí sinh đưa ra lí lẽ và dẫn chứng hợp lí, thuyết phục. Có thể tham khảo ý sau:
– Thái độ sống tích cực giúp con người luôn tự tin, chủ động và có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống.
– Thái độ tích cực luôn mang đến cho con người nguồn năng lượng vô tận để đối mặt và xử lý những khó khăn khủng hoảng giúp con người niềm tin vào bản thân, có ý chí mạnh mẽ, có cách sống lạc quan.
– Thái độ sống tích cực của cá nhân góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, tiến bộ.
=>Thái độ sống tích cực chính là tài sản có giá trị nhất mà mỗi người đang có.
- Ca ngợi những con người có thái độ sống tích cực, chủ động, tự tin. Ngược lại, cũng phê phán lối sống tiêu cực, chỉ thấy phía trước toàn bi quan, chán nản, bực bội.
d. Bài học nhận thức và hành động
- Nhận thức về vai trò của thái độ sống tích cực đối với mỗi người.
- Mỗi người cần tích cực phấn đấu rèn luyện trong học tập, trong cuộc sống, bồi dưỡng lòng tự tin, ý thức tự chủ, lạc quan, tích cực.
Câu 6:
Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.
Mênh mông bốn mặt sương mù
Đất trời ta cả chiến khu một lòng.
Ai về ai có nhớ không?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng
Nhớ từ Cao – Lạng, nhớ sang Nhị Hà.
(Trích Việt Bắc – Tố Hữu)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về chất trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu.
Yêu cầu chung
- Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về tác phẩm văn học, lí luận văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm thụ văn chương để làm bài.. .
-Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, không được thoát li văn bản tác phẩm.
Yêu cầu cụ thể
Đầy đủ bố cục 3 phần:
- Mở bài: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Đoạn thơ là nỗi nhớ của người cán bộ về xuôi về thiên nhiên và con người Việt Bắc. Sức mạnh thiên nhiên hòa quyện với sức mạnh con người đã tạo thành sức mạnh của cả dân tộc, cả thời đại.
-Kết bài: Khẳng định lại vấn đề
Khái quát về tác giả, tác phẩm
-Tác giả:
+Tố Hữu là lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Đường cách mạng, đường thơ luôn song hành cùng nhau.
+ Phong cách thơ Tố Hữu chính là sự hòa quyện giữa nội dung trữ tình chính trị, khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn cùng nghệ thuật biểu hiện đậm đà tính dân tộc.
-Tác phẩm:
+“Việt Bắc” là một trong những tác phẩm thể hiện rất rõ phong cách thơ Tố Hữu, đó là khuynh hướng thơ trữ tình chính trị, khuynh hướng sử thi gắn liền với cảm hứng lãng mạn, giọng điệu tâm tình ngọt ngào tha thiết, đậm đà tính dân tộc.
+Bài thơ được viết vào tháng 10/ 1954 ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa kết thúc thắng lợi, các cơ quan trung ương của Đảng và Chính phủ từ Việt Bắc - thủ đô gió ngàn của dân tộc trở về Hà Nội. Tác phẩm được xem là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp.
Cảm nhận đoạn trích
*Khái quát chung:
- Đoạn thơ có kết cấu đối đáp, hai nhân vật trữ tình “mình – ta”: kẻ đi người ở bộc lộ tâm trạng trong buổi chia tay đầy lưu luyến, xúc động. Chuyện tình nghĩa cách mạng được tác giả khéo kéo thể hiện như chuyên tình yêu đôi lứa, nhà thơ đã hóa thân vào hai nhân vật trữ tình để bộc lộ tâm tư, tình cảm của mình, cũng là của những người tham gia kháng chiến.
- Trong đoạn trích Việt Bắc, đoạn thơ là lời nhắn gửi của người ra đi đối với người ở lại về để nhắc nhớ về những kỉ niệm ân tình cách mạng thể hiện rất rõ chất trữ tình chính trị.
*Nội dung chính: Đoạn thơ là bức tranh rộng lớn hào hùng của những ngày kháng chiến.
- Tố Hữu tái hiện một cách cụ thể hoàn cảnh căng thẳng đầy khó khăn của cuộc cánh mạng “Nhớ khi giặc đến giặc lùng”. Ý thơ mở ra một không khí đầy cam go, căng thẳng, khi giặc tìm mọi cách để truy sát, để hòng dập tắt phong trào cách mạng, phong trào kháng chiến của đồng bào Việt Bắc.
- Tố Hữu cụ thể hóa vai trò của thiên nhiên và con người Việt Bắc trong những ngày kháng chiến:
+ Thiên nhiên và con người góp phần làm nên sức mạnh khối đại đoàn kết đánh đuổi quân xâm lược. Vai trò này được tái hiện rát sinh động qua nghệ thuật sử dụng đại từ ta và phép tu từ nhân hóa xuất hiện trong câu thơ “Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây”.
+ Thiên nhiên Việt Bắc là tấm lá chắn vững chắc không có kẻ thù nào có thể vượt qua.
“Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”
hình ảnh nhân hóa kết hợp với cách ngắt nhịp 4/4 làm cho câu thơ chia làm hai vế cân xứng đã tái hiện hai nhiệm vụ rất rõ ràng của rừng cây, núi đá. Rừng có khi hiểm trở, có khi dịu dàng để che chở bao bọc cho những người cán bộ kháng chiến, có khi lại mạnh mẽ như một thứ vũ khí sắc nhọn để tiêu diệt kẻ thù bảo vệ đất nước.
“Mênh mông bốn mặt sương mù
Đất trời ta cả chiến khu một lòng”
Trời đất bị chìm lấp trong cả màn sương giăng khắp nơi, khiên cho khung cảnh chiến đấu trở nên uy linh và không kém phần lãng mạn. Chiến khu mang nét đặc trưng rộng lớn, đồng thời thể hiện sự phát triển của kháng chiến, chiến khu giải phóng được mở rộng hơn. Cum từ “Đất trời ta cả” khẳng định quyền làm chủ vùng giải phóng.
->Cả vũ trụ, núi rừng Việt Bắc giờ đây đang cùng nhìn về một hướng, đang hướng về cuộc chiến đấu, hướng về sứ mệnh bảo vệ quê hương đất nước yêu dấu của mình thầm thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
- Tố Hữu ca ngợi sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc góp phần làm nên những chiến công vang dội, hàng loạt những địa danh vang lên, mỗi nơi đều gắn với một thắng lợi vinh quang.
“Ai về ai có nhớ không ?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ Phố Ràng
Nhớ từ Cao Lạng, nhớ sang Nhị Hà.”
+ Câu hỏi tu từ thể hiện niềm vui to lớn trước chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Sau đó là câu trả lời: “Ta về ta nhớ” vừa là câu trả lời, đồng thời cũng là câu nói khẳng định ẩn chứa biết bao niềm tự hào không nhỏ.
+ Phép liệt kê các địa danh ở Việt Bắc gắn liền với những sự kiện quan trọng như Phủ Thông, đèo Giàng, là nơi đã diễn ra các trận hồi đầu cuộc kháng chiến chống pháp. Sông Lô phố Ràng: Trận sông Lô đánh tàu chiếm Pháp trong chiến dịch Việt Bắc và trận đánh đồn phố Ràng. Cao – Lạng : Cao Bằng và Lạng Sơn, năm 1950 ta mở chiến dịch giải phóng biên giới Việt – Trung. Đó là những chiến công tiêu biểu góp phần quan trọng, mang tính quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến. Những bước đầu quan trọng ấy đã làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế và lực cho cuộc kháng chiến, củng cố niềm tin vào thắng lợi cuối càng.
+ Điệp từ “nhớ” nhớ đến những trận đánh, những chiến công oanh tạc như thế là niềm tự hào của cá nhân những người tham gia kháng chiến. Chiến thắng nào mà chẳng phải trả giá. Có lẽ họ không những nhớ đến những chiến công oanh liệt như thế mà còn nhớ về những kỉ niệm buồn bên đồng đội của mình, họ đã phải chia tay ra đi vĩnh viễn trong nước mắt và sự xót thương của cả dân tộc.
=> Tố Hữu thực sự đã thổi hồn vào thiên nhiên Việt Bắc khiến cho mỗi cánh rừng, ngọn núi trở thành người đồng hành với người kháng chiến trong cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Sức mạnh thiên nhiên hòa quyện với sức mạnh con người đã tạo thành sức mạnh của cả dân tộc, cả thời đại.
*Nghệ thuật đặc sắc:
- Sử dụng kết hợp nhiều biện pháp nghệ thuật, đặc biệt điệp từ “nhớ” cùng với thể thơ lục bát âm điệu nhẹ nhàng, ngọt ngào, sâu lắng, diễn tả nối nhớ vơi đầy dào dạt trong kí ức của nhà thơ.
- Giọng thơ thay đổi linh hoạt: Lúc trầm lắng, lúc mạnh mẽ, mãnh liệt trong niềm vui, khiến chúng ta như đang hòa mình vào niềm vui lớn của dân tộc, niềm vui trọn vẹn khi đất nước hoàn toàn tự do.
Chất trữ tình, chính trị trong thơ Tố Hữu
- Biểu hiện:
+ Chất trữ tình của đoạn thơ: Thể hiện qua nỗi nhớ, là tình cảm cách mạng trong hoài niệm của người cán bộ về xuôi. Nhà thơ Tố Hữu đã hoá thân vào cả hai nhân vật “mình, ta” để bộc lộ cảm xúc vui mừng, tự hào. Mừng vì cuộc chiến tranh nhân dân đã thắng lợi nhờ đóng góp lớn lao của nhân dân và sự hi sinh của bao chiến sĩ. Tự hào vì ta đã làm chủ đất trời, chiến trận.
+ Chất chính trị của đoạn thơ: Nhà thơ làm sống lại những năm tháng kháng chiến chống Pháp gian khổ mà hào hùng của dân tộc ta. Thiên nhiên, trong đó có rừng cây, núi đá đã cùng bộ đội ta đánh giặc. Việt Bắc như người mẹ yêu thương che chở cho quân dân ta, đồng thời là mồ chôn chân quân thù trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Mặt khác, đoạn thơ còn ghi lại những địa danh, những trận đánh đi vào lịch sử chiến thắng vinh quang của dân tộc.
- Ý nghĩa: Chất trữ tình chính trị trong đoạn thơ góp phần thể hiện tấm lòng thuỷ chung cách mạng, ca ngợi và biết ơn nhân dân Việt Bắc trong nỗi nhớ của người về xuôi, đem lại niềm tin vào cách mạng và kháng chiến trong cuộc kháng chiến gian lao mà anh dũng của dân tộc.
Nhận xét, đánh giá
- Đoạn thơ khắc họa hình ảnh thiên nhiên Việt Bắc trù phú, dữ dội nhưng cũng rất lãng mạn và “bao la”, khắc họa được hình ảnh người cán bộ về xuôi có tình cảm sâu nặng gắn bó với thiên nhiên, với cách mạng. Đồng thời thể hiện niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của quân và dân ta từ đây khẳng định vai trò của Việt Bắc chính là cái nôi, nuôi dưỡng cách mạng.
- Có thể coi "Việt Bắc" nói chung và đoạn thơ nói riêng là khúc tình ca và cũng là khúc hùng ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến mà cội nguồn sâu xa của nó là tình yêu quê hương đất nước, là niềm tự hào về sức mạnh của nhân dân, là truyền thống ân nghĩa, đạo lí thuỷ chung của dân tộc Việt Nam.
Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo qui tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận