Thứ bảy, 23/11/2024
IMG-LOGO

30 đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2022 - Đề 28

  • 5402 lượt thi

  • 6 câu hỏi

  • 120 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

Đọc văn bản sau và làm theo yêu cầu:

Mùa tựu trường của hơn năm mươi năm trước, mẹ tôi âu yếm dắt tay tôi đi trên con đường làng dài và hẹp. Và mùa tựu trường của nửa thế kỷ sau vẫn thế.

Trong một nền giáo dục còn nhiều bừa bộn thì vẫn phải luôn cần mẹ ta, cha ta dắt tay ta đi trên con đường làng hay đi ra với thế giới. Cám ơn những người mẹ người cha hiếu học mà thời cuộc hoàn cảnh có thể cắt đứt điều kiện nhưng chẳng bao giờ dập tắt nổi khát vọng học hành. Thức cùng con, học cùng con từ ngày con vào lớp một. Nếu không có những sư - phụ vừa là mẹ vừa là cha vừa là thầy giáo như thế này thì nên giáo dục thực tại Việt Nam liệu có hun đúc được nhiều hiền tài đến thế không?

Tôi biết có đôi vợ chồng trẻ làm ăn rất thuận lợi kinh doanh rất phát đạt nhưng một trong hai người đã nghỉ việc để ở nhà dạy con.

Tôi biết có những người cha phút lâm chung còn trăn trối lại rằng dầu nghèo đến đâu dẫu chỉ còn cái bàn thờ bố cũng bán cho con ăn học.

Tôi biết có những người mẹ dạy con mình thành đạt rồi không chịu nghỉ ngơi lại về quê đưa cháu ra để nuôi dạy tiếp.

Tổ quốc phải cảm ơn họ. Chính phủ phải cảm ơn họ. Mẹ cha không có những dự án giáo dục bạc tỉ nhưng có những kế hoạch vĩ đại của tấm lòng thành. Nguồn tài trợ của cha là chiếc xích lô. Dự án của mẹ là củ khoai mớ tép, nắm xôi sớm bữa cháo khuya. Tình cảm của cha mẹ lay động trời xanh, đánh thức những năng lượng nằm sâu trong con và tin chắc rằng chẳng có trí tuệ nào lưới biếng ngủ vùi trước tình mẹ.

Nhiều người nói trẻ con ngày nay học nhiều quá. Chưa nhiều! Phải cố nữa! Nhiều người lo sợ học nhiều sẽ đầu to mắt cận. Đầu to càng dễ khai tâm trí, mắt cận thì còn tính đến làm gì khi thời đai cần một lượng kiến thức phải đọc dù tối thiểu cũng đủ làm mắt cận.

Với lòng khát khao nóng bỏng đó, mẹ cha sẽ dắt tay ta vào tương lai thuận lợi biết bao nhiêu! Bàn giao cho Tổ quốc những “sản phẩm” tốt bao nhiêu!

Chúng ta bước ra đồng lầy mái rạ, từ con đường làng tiến thẳng vào thời đại tri thức. Thời đại mà trí tuệ chính là nguồn lực cạnh tranh. Cảm ơn mẹ cha đã góp công sức dạy con trở thành người trí tuệ.

(Huy chương nào cho mẹ, cho cha, Đoàn Công Lê Huy, https://www.truyenngan.com.vn)

Theo tác giả bài viết, vì sao Tổ quốc phải cảm ơn những con người “vừa là mẹ cha, vừa là thầy giáo” đã được nhắc đến trong văn bản?

Xem đáp án

Tổ quốc phải cảm ơn những con người vừa là cha mẹ, vừa là thầy giáo bởi: cha mẹ chính là những người chăm lo và đầu tư hết lòng để xã hội có những con người có văn hóa; nền kinh tế có những nhân lực lao động chất lượng cao. “Mẹ cha sẽ dắt tay ta vào tương lai thuận lợi biết bao nhiêu! Bàn giao cho Tổ quốc những “sản phẩm” tốt bao nhiêu”.


Câu 2:

Anh/chị hiểu thế nào về quan điểm của tác giả cho rằng: “Thời đại đại tri thức là thời đại mà trí tuệ chính là nguồn lực cạnh tranh”?

Xem đáp án

Thời đại tri thức là thời đại mà trí tuệ là nguồn lực cạnh tranh. Bởi thời đại tri thức là khi nền kinh tế - xã hội hướng đến những sản phẩm mang tính khoa học công nghệ. Nguồn lực lao động có trí tuệ sẽ là sức mạnh to lớn và mang tính quyết định sự thành bại của một nền kinh tế. Nói cách khác, chất xám trở thành giá trị, trở thành một mặt hàng cao cấp thu hút nhiều nhà đầu tư, quyết định khả năng cạnh tranh của một nền kinh tế.


Câu 3:

Tác giả lặp lại ba câu văn với cùng một cấu trúc “Tôi biết…” nhằm tác dụng gì?

Xem đáp án

Tác giả bài viết lặp lại ba lần cấu trúc “Tôi biết...” tạo ra nhịp điệu nhấn nhá cho bài viết, nhằm nhấn mạnh những dẫn chứng cụ thể, chi tiết, thuyết phục cho quan điếm “những bậc phụ huynh ở Việt Nam vừa kà cha mẹ, vừa là thầy giáo” - hình tượng rất phổ biến ở xã hội Việt Nam, đó chính là những con người đã góp phần to lớn tạo nên nguồn lực lao động có trí tuệ cho đất nước.


Câu 4:

Anh/chị hãy nêu ý kiến của mình về quan điểm: “Nhiều người nói trẻ con ngày nay học nhiều quá. Chưa nhiều! Phải cố nữa! Nhiều người lo sợ học nhiều sẽ đầu to mắt cận. Đầu to càng dễ khai tâm trí, mắt cận còn tính đến làm gì một khi thời đại cần một lượng kiến thức phải đọc dù tối thiểu cũng đủ làm mắt cận”.

Xem đáp án

Có nhiều cách trình bày quan điểm cá nhân.

+ Hình thức: 5 – 7 dòng.

+ Nội dung: Nêu quan điểm cá nhân - Bàn luận làm rõ cho quan điểm của mình.

Gợi ý:

Tôi đồng ý với quan điểm của tác giả cho rằng trẻ con ngày nay cần học nhiều, phải cố hơn nữa để trang bị tối đa cho mình những tri thức của nhân loại làm cơ sở, để chủ động đóng góp trí tuệ và công sức của mình vào tiến trình phát triển chung của cộng đồng. Nhưng không phải vì cần nhiều mà học tràn lan, học đến đầu to mắt cận. Đó chỉ là những biểu hiện cho một cách học chưa thực sự hợp lí, chưa có sự chọn lọc. Xã hội ngày càng hướng tới chuyên môn hóa. Vì vậy, con người ngoài những thường thức cần biết thì ta có thể tập trung vào một chuyên môn nhất định, vào thế mạnh của bản thân mà tiếp thu kiến thức, tránh lối học tràn lan. Bởi vậy, nếu việc học có kế hoạch và khoa học thì tôi tin rằng, chúng ta vẫn sẵn sàng bước vào thời đại 4.0 mà mắt vẫn sáng trong 10/10.


Câu 5:

Viết bài luận 200 chữ bàn về chữ Hiếu.

Xem đáp án

Ÿ Yêu cầu chung:

- Nội dung:

+ Xác định đúng vấn đề nghị luận;

+ Thể hiện được quan điểm cá nhân, đảm bảo được tính nhân văn trong bài viết;

+ Triển khai vấn đề thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, trình tự hợp lí, lập luận chặt chẽ; sử dụng phù hợp các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

- Hình thức:

+ Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận;

+ Đoạn văn mạch lạc, diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết;

+ Lời văn có cá tính và cảm xúc;

+ Không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Ÿ Yêu cầu cụ thể:

Hệ thống ý

Dẫn dắt

- Nêu từ khóa: chữ Hiếu

Giải thích

- Chữ Hiếu là từ Hán Việt, chỉ lòng biết ơn cha mẹ, là hết lòng phụng dưỡng. Đó không chỉ là nghĩa cử cao đẹp, còn là tình cảm thiêng liêng, đã trở thành truyền thống tốt đẹp, lưu truyền suốt hàng ngàn năm.

Phân tích

- Chữ Hiếu trong xã hội hiện đại như thế nào?

- Vì sao con người cần biết đề cao đạo Hiếu?

Phản biện

- Xã hội hiện đại, không thể yêu cầu những người con luôn sát bên cha mẹ để thực hiện đạo Hiếu.

Liên hệ

- Bài học/Liên hệ + Từ khóa.

Chữ Hiếu xưa gắn với rất nhiều lễ nghĩa, có thể lễ nghĩa nay đã mai một, nhưng lòng yêu, lòng kính trọng mẹ cha vẫn phải là căn cốt. Mất đi, sao có thể làm người?


Câu 6:

Có ý kiến cho rằng: Nổi bật trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành là hình tượng cây xà nu, đây là một hình tượng nghệ thuật biểu trưng cho sức sống, phẩm chất của người Tây Nguyên thời chống Mĩ. Anh/chị hãy bàn luận về ý kiến này.

Xem đáp án

Ÿ Yêu cầu chung:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục rõ ràng, đầy đủ; văn viết có cảm xúc, thể hiện khả năng phân tích, cảm thụ.

- Diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Ÿ Yêu cầu cụ thể:

ĐỌC HIỂU YÊU CẦU ĐỀ

- Đối tượng chính, trọng tâm kiến thức: Rừng xà nu

- Dạng bài: Bàn luận ý kiến

- Yêu cầu: Người viết cần phân tích làm rõ hình tượng trung tâm của tác phẩm: cây xà nu, từ đó làm nổi bật khía cạnh ý kiến bàn luận: cây xà nu là một hình tượng nghệ thuật biểu trưng cho sức sống, phẩm chất của người Tây Nguyên thời chống Mĩ.

TIẾN TRÌNH BÀI LÀM

KIÊN THỨC

HỆ THỐNG Ý

NỘI DUNG CẦN ĐẠT

Điểm

CHUNG

Khái quát vài nét về tác giả - tác phẩm

- Nguyễn Trung Thành là nhà văn lớn lên và trưởng thành trong cả hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ông sớm bén duyên với mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, và cho đến hiện tại, những tác phẩm hay nhất của ông có dấu ấn của miền đất nắng gió ấy.

- Những sáng tác của nhà văn mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn, thường đề cập đến những vấn đề trọng đại, lớn lao của dân tộc.

- Truyện ngắn Rừng xà nu được viết năm 1965, ra mắt trên tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ, sau đó in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc.

- Vị trí: Rừng xà nu là tác phẩm tiêu biểu viết về đề tài chiến tranh cách mạng, về đề tài miền núi, tác phẩm tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi.

0.5

TRỌNG TÂM

Giải thích ý kiến

- Hình tượng nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ, là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ trong quá trình nhận thức và tái hiện cuộc sống. Thể hiện lăng kính của người nghệ sĩ với cưộc sống, nhìn nhận hình tượng nghệ thuật, ta có thể tìm thấy những tư tưởng, giá trị, thông điệp mà nhà văn gói ghém trong đó.

- Hình tượng cây xà nu là hình tượng trung tâm của toàn bộ tác phẩm, là ẩn dụ cho hình ảnh dân làng Tây Nguyên với sức sống, phẩm chất, bản tính... mạnh mẽ, không gì quật ngã nổi. Dù cho kẻ thù có bao lần tàn phá, và bằng mọi thủ đoạn bạo tàn.

0.5

Phân tích

Vị trí của hình tượng cây xà nu trong tác phẩm:

- Hình tượng cây xà nu là hình tượng trung tâm, được trở đi trở lại, xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Từ tên nhan đề, mở đầu, kết thúc, những sinh hoạt của dân làng Xô Man, những sự kiện trọng đại, những kỷ niệm ngọt ngào đến đau thương,… đều có cây xà nu.

Vẻ đẹp và phẩm chất của cây xà nu:

- Cây xà nu mang trong mình nguồn sống và sức mạnh mãnh liệt, không gì quật ngã nổi.

- Xà nu mang trong mình vẻ đẹp của loài cây ham ánh sáng mặt trời. Sự sống của nó chính là sự vươn lên để sinh tồn. Cây xà nu rất ham ánh sáng và khí trời.

Vai trò:

- Nó là máu thịt, là phần không thể thiếu trong đời sống dân làng Xô Man.

- Rừng xà nu là bức tường thành vững chãi bao bọc, chở che cho buôn làng Xô Man.

Tính biểu tượng:

- Rừng xà nu là biểu tượng của sức sống mãnh liệt cửa nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Là cụ Mết, người truyền và giữ ngọn lửa tinh thần cách mạng: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Người anh hùng Tnú với tinh thần kìm nén đau thương để biến thành sức mạnh quật khởi. Dít với đôi mắt mở to trong suốt, bình thản ngày Mai chết.

Dít như cây xà nu nhanh chóng trưởng thành, nhanh chóng trở thành bí thư chi bộ, cùng cụ Mết lãnh đạo dân làng Xô Man đánh giặc, vẻ đẹp của bé Heng, thế hệ xà nu măng non, chưa trưởng thành nhưng tinh thần thì đã “nhọn hoắt như những mũi lê”...

3.0

Bàn luận, đánh giá

- Đi suốt chiều dài tác phẩm, xà nu là hình tượng bao trùm, là mạch sống mạch hồn của tác phẩm, là một hình tượng nghệ thuật biểu trưng cho sức sống, phẩm chất của người Tây Nguyên thời chống Mĩ.

0.5

Bài làm mẫu:

Tây Nguyên - mảnh đất hùng vĩ và thơ mộng, với những con người nồng hậu yêu thương mà kiên cường bất khuất, từ lâu đã là nguồn cảm hứng cho biết bao văn nhân nghệ sĩ. Mỗi người đều tìm thấy ở mảnh đất này một biểu tượng đẹp cho tâm hồn cất cánh, ngòi bút thăng hoa. Ngọc Anh có Bóng cây Kơ nia như nỗi lòng thổn thức thiết tha của tình yêu thủy chung son sắt, Thu Bồn có Bài ca chim Chơ-rao, ngân vang khúc hát trong trẻo nồng đượm tình người chiến thắng... Còn Nguyễn Trung Thành lại đem đến cho ta hình tượng những Rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời như sức sống bền và bất diệt của nhân dân Tây Nguyên trong công cuộc chống Mĩ cứu nước. Bàn về hình tượng này, có ý kiến đã cho rằng: “Nổi bật trong tác phấm Rừng xà nu của Nguyên Trung Thành là hình tượng cây xà nu, đây là một hình tượng nghệ thuật biểu trưng cho sức sống, phẩm chất của người Tây Nguyên thời chống Mĩ.”

Nguyễn Trung Thành là nhà văn lớn lên và trưởng thành trong cả hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ông sớm bén duyên với mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, và cho đến hiện tại, những tác phẩm hay nhất của ông có dấu ấn của miền đất nắng gió ấy. Những sáng tác của nhà văn mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn, thường đề cập đến những vấn đề trọng đại, lớn lao của dân tộc. Truyện ngắn Rừng xà nu là một tác phẩm như thế. Rừng xà nu được viết năm 1965, ra mắt trên tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Bộ, sau đó in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc.

Đọc Rừng xà nu, không chỉ những nhân vật như cụ Mết, Tnú, Dít, Mai tạo nên ấn tượng sâu sắc trong chúng ta, mà còn là cây xà nu - một hình tượng đặc sắc bao trùm toàn bộ thiên truyện ngắn này. Chính hình tượng cây xà nu tạo nên vẻ đẹp hùng tráng, chất sử thi lãng mạn cho câu chuyện về làng Xô Man bất khuất, kiên cường. Đó là hình tượng hàm chứa nhiều ỳ nghĩa tượng trưng. Qua hình tượng này, người đọc có thể thấy rõ sức sống kiên cường, sức sống mãnh liệt của con người Tây Nguyên nói riêng, của con người Việt nói chung trong những ngày đánh Mĩ.

Đầu tiên, có thể khẳng định, hình tượng cây xà nu là hình tượng trung tâm, được trở đi trở lại, xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Từ tên nhan đề: Rừng xà nu - một danh từ vừa cụ thể vừa mang tính hình tượng. Xà nu như nhà văn chia sẻ, là loại cây mạnh mẽ, căng tràn mạch sống, xanh ngút ngàn kéo dài tít tắp trên mảnh đất Tây Nguyên nắng và gió. Đặt tên cho tác phẩm như vậy khắc dấu đầu tiên đầy ấn tượng về một đặc trưng của vùng đất, ngầm chứa nhiều mạch ngầm tư tưởng mà sẽ hé lộ dần trong truyện. Trong truyện ngắn này, xà nu là hình tượng xuất hiện dày đặc, từ mở đầu, kết thúc, những sinh hoạt của dân làng Xô Man, những sự kiện trọng đại, những kỷ niệm ngọt ngào đến đau thưong,.. đều có cây xà nu.

Cây xà nu mang trong mình nguồn sống và sức mạnh mãnh liệt, không gì quật ngã nổi. Cây xà nu là hình ảnh tiêu biểu, tượng trưng cho phẩm chất của dân làng Xô man nói riêng và người Tây Nguyên nói chung: “Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thắng lên bầu trời”. Xà nu mang trong mình vẻ đẹp của loài cây ham ánh sáng mặt trời. Sự sống của nó chính là sự vươn lên để sinh tồn. Cây xà nu rất ham ánh sáng và khí trời.

Xét về vai trò, xà nu là máu thịt, là phần không thể thiếu trong đời sống dân làng Xô Man: ngọn lửa xà nu nấu ăn trong mỗi bếp, lửa xà nu cháy bập bùng trong nhà ưng tập trung cả dân làng để nghe cụ Mết kể về cuộc đời Tnú; khói xà nu đen nhẻm thân hình lũ trẻ, khói xà nu còn làm tấm bảng đen cho anh Quyết dạy Tnú và Mai học chữ cụ Hồ... Xà nu còn tham dự vào những sự kiện quan trọng của cuộc sống làng Xô Man: ngọn đuốc xà nu cháy sáng trên tay cụ Mết dẫn cả dân làng đi vào rừng sâu lấy giáo mác chuẩn bị cho cuộc nổi dậy; đêm đêm, cả dân làng thức mài vũ khí dưới ánh đuốc xà nu; giặc đốt hai bàn tay Tnú bằng giẻ tẩm nhựa xà nu...

Rừng xà nu còn là bức tường thành vững chãi bao bọc, chở che cho buôn làng Xô Man. Mỗi ngày giặc bắn đại bác ba lần vào làng nhưng làng Xô Man vẫn bình yên vì “Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn”. Đổi lại, vì bảo vệ cho dân làng nên cánh rừng xà nu lại chịu nhiều đau thương mất mát: “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào là không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão”.

Và cuối cùng, có thể khẳng định, rừng xà nu đã trở thành biểu tượng của sức sống mãnh liệt của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Là cụ Mết, người truyền và giữ ngọn lửa tinh thần cách mạng: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Người anh hùng Tnú với tinh thần kìm nén đau thương để biến thành sức mạnh quật khởi. Dít với đôi mắt mở to trong suốt, bình thản ngày Mai chết. Dít như cây xà nu nhanh chóng trưởng thành, nhanh chóng trở thành bí thư chi bộ, cùng cụ Mết lãnh đạo dân làng Xô Man đánh giặc, vẻ đẹp của bé Heng, thế hệ xà nu măng non, chưa trưởng thành nhưng tinh thần thì đã “nhọn hoắt như những mũi lê”...

Đi suốt chiều dài tác phấm, xà nu là hình tượng bao trùm, là mạch sống mạch hồn của tác phẩm. Hình tượng thiên nhiên ấy đã trở thành chủ âm của tác phẩm, nó chiếm giữ những vị trí quan trọng nhất của truyện ngắn: nhan đề, mở đầu và kết thúc. Hình ảnh cây xà nu còn trở đi trở lại nhiều lần tạo nên không gian đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên.

Xà nu trở thành biểu tượng cho cuộc sống và phẩm chất của dân làng Xô Man - đó là một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của Nguyễn Trung Thành. Nhà văn đã lựa chọn hình ảnh cây xà nu và đem lại cho nó những ý nghĩa mới, những vẻ đẹp mới để dựng lên bức tranh sử thi chống Mĩ của những con người kiên cường bất khuất nơi núi rừng hùng vĩ Tây Nguyên.

 


Bắt đầu thi ngay