Đề thi Ngữ văn THPT Quốc gia năm 2022 có lời giải (Đề 3)
-
10491 lượt thi
-
6 câu hỏi
-
120 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Không ai có đủ tinh thần và sức lực để vừa chống lại những điều không thể thay đổi, vừa tạo lập một cuộc sống mới. Hãy chọn một trong hai. Bạn có thể hoặc xuôi theo những cơn bão tuyết không thể tránh khỏi trong đời hoặc phản kháng để rồi suy sụp!
Tôi đã chứng kiến điều đó xảy ra tại trang trại của mình ở Missouri. Tôi đã trồng rất nhiều cây sồi ở đó và chúng lớn rất nhanh. Rồi một cơn bão tuyết xuất hiện, phủ lên các cành cây một lớp băng dày. Thay vì uốn mình để chịu đựng, những thân cây ấy vẫn kiêu hãnh đứng thẳng để rồi cuối cùng, dưới sức nặng của băng tuyết, các cành cây bị bẻ gãy, thân cây bị chẻ toạc ra và chết. Chúng đã không học được sự khôn ngoan của những cánh rừng phương Bắc. Tôi đã đi qua hàng trăm dặm băng qua những khu rừng xanh ngút ngàn của Canada mà chưa hề thấy một cây vân sam hay một cây thông nào bị gãy vì mưa tuyết hay băng giá. Những loài cây xanh quanh năm ấy biết cong mình, uyển chuyển, biết hợp tác với điều không thể tránh khỏi là lớp băng tuyết phủ dày mỗi năm.
Những giảng viên môn võ Nhu đạo luôn dạy võ sinh của mình phải biết “mềm dẻo như cây liễu; đừng cứng ngắc như cây sồi”.
… Điều gì xảy ra nếu chúng ta chống lại những cú va đập của cuộc sống thay vì chấp nhận chúng? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không chịu mềm dẻo uốn mình như cây liễu và khăng khăng chống chọi như cây sồi? Câu trả lời thật rõ ràng. Chúng ta sẽ tự tạo ra hàng loạt những cuộc xung đột nội tâm, sẽ lo lắng, căng thẳng, bồn chồn và bị rối loạn thần kinh.
Vì vậy, để loại bỏ thói quen hay lo lắng trước khi nó hủy hoại bạn, hãy tuân theo nguyên tắc: Hợp tác với những điều không thể tránh khỏi.
(Trích Quẳng gánh lo đi... - Dale Carnegie, NXB. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2018, tr.140 - 141)
Xác định nội dung chính của đoạn văn bản.
Phương pháp: Đọc kỹ đoạn văn, suy luận.
Cách giải:
Nội dung chính: Hợp tác với những điều không tránh khỏi trong cuộc sống.
Câu 2:
Theo tác giả, nguyên nhân nào khiến những cây sồi bị chết trong bão tuyết, băng giá?
Phương pháp: Đọc, tìm ý.
Cách giải:
Theo tác giả, nguyên nhân khiến những cây sồi chết: Thay vì uốn mình để chịu đựng, những thân cây ấy vẫn kiêu hãnh đứng thẳng để rồi cuối cùng, dưới sức nặng của băng tuyết, các cành cây bị bẻ gãy, thân cây bị chẻ toạc ra và chết. Chúng đã không học được sự khôn ngoan của những cánh rừng phương Bắc.
Câu 3:
Nêu tác dụng của câu hỏi tu từ được sử dụng trong đoạn văn bản.
Phương pháp: Áp dụng các kiến thức đã học về câu hỏi tu từ
Cách giải:
Tác dụng của câu hỏi tu từ: nhấn mạnh, khẳng định tác hại của việc không biêt thích nghi với hoàn cảnh.
Câu 4:
Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “phải biết mềm dẻo như cây liễu, đừng cứng ngắc như cây sồi” không? Vì sao?
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
Học sinh có thể trả lời theo suy nghĩ của bản thân, lý giải.
Gợi ý:
- Đồng ý
- Lý giải:
+ Trong đời sống chúng ta không thể tránh khỏi sự va đập của cuộc đời. Nếu biết thích nghi (mềm dẻo như cây liễu) chúng ta sẽ có cơ hội giải quyết vấn đề, biến nó thành những vấn đề tích cực. Ngược lại không biết thích nghi mà chống đối đến cùng (cứng như cây sồi) sẽ khiến mọi vấn đề càng trở nên khó khăn hơn, dậu quả nghiêm trọng hơn.
+ Tuy nhiên cần phân biệt rõ ràng giữa việc thích nghi với hoàn cảnh và buông xuôi để mặc hoàn cảnh.
Câu 5:
II. LÀM VĂN
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về việc Hợp tác với những điều không thể tránh khỏi.
Phương pháp:
- Tìm hiểu đề, xác định rõ vấn đề cần nghị luận Hợp tác với những điều không thể tránh khỏi
- Phân tích, lí giải, tổng hợp.
Cách giải:
* Yêu cầu:
- Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.
* Gợi ý:
- Giải thích:
+ Hợp tác: Cùng làm việc, giúp đỡ nhau để đạt được một mục đích chung nào đó.
+ Những điều không thể tránh khỏi: Những vấn đề khó khăn xảy ra trong cuộc sống mà con người không có lựa chọn né tránh.
=> Đối với những vấn đề khó khăn bất đắc dĩ xảy ra trong cuộc sống, thay vì than vãn, chống đối chúng ta hãy học cách sống chung với nó, thích nghi với hoàn cảnh để từ đó tìm ra được hướng đi mới.
- Bàn luận vấn đề
- Con người không được lựa chịn hoàn cảnh sống, hoàn cảnh sinh ra và tất nhiên họ cũng không được lựa chọn những vẫn đề đến với mình trong cuộc sống. Cuộc đời của mỗi con người sẽ không tránh khỏi những vấn đề tiêu cực, những khó khăn xảy đến bất ngờ.
- Có rất nhiều lựa chọn khi đứng trước những tình huống như vậy: Có người chọn thích nghi, người khác lại chọn cách phản kháng.
- Học cách hợp tác với những tình huống như vậy là học cách thích nghi với hoàn cảnh. Điều đó sẽ giúp con người rèn luyện được khả năng linh hoạt trong cuộc sống của mình.
- Con người sẽ học được rất nhiều kinh nghiệm và kỹ năng sống sau mỗi lần hợp tác với những điều không thể tránh khỏi. Tạo tiền đề cho sự phát triển bản thân sau này.
- Hợp tác với những điều không thể tránh khỏi là cách tốt nhất giúp con người giải quyết vấn đề của mình một cách hiệu quả nhất.
- Hợp tác với những điều không thể phần nào khiến cho tâm lý của con người trở nên lạc quan, tích cực hơn.
- Bài học nhận thức :
+ Thay đổi lối suy nghĩ về các hành xử trước những điều không thể tránh khỏi.
+ Cần phân biệt rõ ràng giữa việc thích nghi, hợp tác với những điều không tránh khỏi và việc ỷ nại vào cuộc đời, không cố gắng, buông xuôi cuộc sống.
- Liên hệ bản thân.
Câu 6:
Cảm nhận của anh/chị về hình tượng nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích sau:
…Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.
Bà lão khẽ thở dài ngang lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được. Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con. May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giới bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?
Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với “nàng dâu mới”.
- Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...
Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi. Hắn ho khẽ một tiếng, bước từng bước dài ra sân, Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:
- Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giới cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì con cái chúng mày về sau. Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa dòng sông trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rậm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt. Bà lão thở nhẹ ra một hơi dài. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?...
(Trích Vợ nhặt – Kim Lân, SGK Ngữ văn 12, Tập hai, NXB. Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.28 - 29) Từ đó, chỉ ra nét đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn Kim Lân.
Phương pháp:
- Xác định rõ vấn đề cần nghị luận: Hình tượng nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích. Từ đó nêu nhận xét về bút pháp xây dựng nhân vật của nhà văn Kim Lân
- Biểu cảm, bình luận, phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
I. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Kim Lân, tác phẩm Vợ nhặt.
- Hình tượng nhân vật bà cụ Tứ và nhận xét về bút pháp xây dựng nhân vật của nhà văn Kim Lân.
II. Phân tích
1. Hình tượng nhân vật bà cụ Tứ.
a. Hoàn cảnh của nhân vật bà cụ Tứ:
- Hàn cảnh chung: Là người dân xóm ngụ cư, sống trong thảm cảnh nạn đói năm 1945. - Hoàn cảnh riêng: La người đàn bà góa chồng, sống trong cảnh mẹ góa con côi. Là người đàn bà khổ cả cuộc đời. Vì nghèo mà không có tiền cưới vợ cho con.
b. Phẩm chất của bà cụ Tứ.
- Bà cụ Tứ là một người mẹ yêu con:
+ Bà tự trách bản thân mình nghèo không có tiền để cưới vợ cho con.
+ Bà cụ Tứ không hề biết đến chuyện nhặt vợ của anh Tràng cho tới khi về nhà. Trong hoàn cảnh nạn đói như vậy, hàng xóm đều lắc đầu ngao ngán thì bà lại thấy mừng lòng vì thấy may trong hoàn cảnh này người ta mới lấy đến con bà, con bà mới có vợ mà con bà yên bề gia thất thì lòng người mẹ cũng thấy yên tâm hơn.
+ Thêm vào đó, bà còn cảm thấy thương con khi người ta thì dựng vợ gả chồng cho con lúc ăn nên làm nổi còn bà lại cưới vợ cho con trong lúc nạn đói đang hoành hành như thế này.
- Bà cụ Tứ là một người đàn bà giàu lòng bao dung
+ Trong hoàn cảnh nạn đói, bà cụ hoàn toàn có quyền từ chối thị nhưng bà đã chấp nhận thị về làm dâu mặc dù trong hoàn cảnh ấy mẹ con bà còn không chắc có nuôi nhau qua khỏi không.
+ Bà cụ Tứ thừa hiểu Thị về đây không phải vì tình yêu với con trai bà mà thực chất là vì miếng an. Có đến bước đường này người ta mới lấy đến con bà. Bà có quyền coi khinh người đàn bà kia nhưng vẫn có thái độ rất dịu dàng và ân cần với thị. Ngược lại, bà còn thấy thương cho Thị và đối xử với thị như với người con dâu bình thường. Đối với bà cụ Tứ, thị không phải là một người vợ được nhặt về một cách tạm bợ mà thị giống như một người con dâu chính thức như bao nàng dâu khác.
- Bà cụ Tứ là một người có cái nhìn lạc quan, niềm tin thay đổi cuộc đời.
+ Trong khi nạn đói đang hoành hành bà cụ Tứ vẫn có một niềm tin mãnh liệt vào sự đổi đời. Niềm tin ấy được thể hiện qua câu nói: Ai giàu ba họ, ai khó ba đời. Đây là câu nói thể hiện niềm tin của quần chúng lao động tin vào sự đổi đời.
2. Đánh giá:
- Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật: Kim Lân có biệt tài xây dựng hình tượng nhân vật từ ngoại hình đến tâm lý.
+ Về mặt ngoại hình: Một loạt những từ ngữ được tác giả sử dụng rất khéo léo gợi lên hình ảnh của một bà lão khắc khổ trong nạn đói.
+ Về mặt tâm lý: Kim Lân đã diễn tả tâm lý nhân vật rất kỹ lưỡng và logic. Từ những suy nghĩ rất đời thường đến những cảm xúc của con người ngay trên bờ vực cái chết. Qua đó ngợi ca và trân trọng con người ngay cả khi họ rơi vào thảm cảnh bi kịch nhất.
=> Bằng ngòi bút tài hoa khi khắc họa nhân vật, nhà văn Kim Lân đã thể hiện tấm lòng cảm thông với số phận cùng quẫn của người dân trong nạn đói và thái độ trân trọng, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của họ
III. Kết luận
- Khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật.