Thứ sáu, 24/01/2025
IMG-LOGO

Đề 9

  • 6094 lượt thi

  • 6 câu hỏi

  • 30 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:  

VỚI CON 

Con ơi con thức dậy giữa ngày thường 

Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá 

Qua đường đất đến con đường sỏi đá 

Cha e con đến lớp muộn giờ. 

 

Con ơi con nàng Bạch Tuyết trong mơ 

Không thể nào yêu con thay mẹ được 

Và vì thế, nếu khuy áo con bị đứt 

Thì nói lên để mẹ khâu cho. 

 

Và con gì trên ấy ngân hà 

Có thể rồi con sẽ lên đến được 

Nhưng đêm nay thì con cần phải học 

Bốn phép tính cộng trừ hay đọc một trang thơ. 

 

Con ơi con, nếu thầy giáo dạy con 

Có ánh sáng bảy màu trong ánh sáng 

Thì con hỡi hãy khêu cho rạng 

Ngọn bấc đèn con hãy vặn lên to. 

 

Con ơi con, trái đất thì tròn 

Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật

Tất cả đây đều là sự thật 

Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn! 

 

Mẹ hát lời cây lúa để ru con 

Cha cày đất để làm nên hạt gạo 

Chú bộ đội ngồi trên mâm pháo 

Bác công nhân quai búa, quạt lò. 

 

Vì thế nên, lời cha dặn dò 

Cũng chưa hẳn đã là điều đúng nhất 

Cha mong con lớn lên chân thật 

Yêu mọi người như cha đã yêu con. 

(Theo Thivien.net/Thạch- Quỳ/với - Con)

(NB) Xác định thể thơ của văn bản.

Xem đáp án

Phương pháp: Vận dụng những kiến thức về các thể thơ đã học. 

Cách giải: 

Thể thơ: Tự do.


Câu 2:

(TH) Chỉ ra và nêu tác dụng của phép lặp cấu trúc cú pháp trong văn bản trên.

Xem đáp án

Phương pháp: Vận dụng kiến thức về biện pháp tu từ lặp cấu trúc. 

Cách giải: 

- Biện pháp tu từ lặp cấu trúc: “Con ơi con,…”. 

- Tác dụng: 

+ Nhấn mạnh ý được nói đến trong bài thơ. 

+ Tạo cảm giác gần gũi như một lời tâm tình của cha dành cho con.


Câu 3:

(TH) Anh/chị hiểu như thể nào qua lời cha dặn con: 

Và con ơi trên ấy ngân hà 

Có thể rồi con sẽ lên đến được 

Những đêm nay thì con cần phải học 

Bốn phép tính cộng trừ hay đọc một trang thơ.

Xem đáp án

Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp. 

Cách giải: 

Ý nghĩa lời dạy: Trong tương lai, con có thể đến những nơi xa xôi nhất, làm nên những điều tuyệt vời nhất. Thế nhưng muốn đạt được những ước mơ, lý thưởng ấy trước hết con phải bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất như phép toán hay một bài thơ.


Câu 4:

(VD) Qua khổ thơ thứ 4 của bài thơ, anh/chị nhận thức được yêu cầu như thế nào về quá trình học của người học sinh?

Xem đáp án

Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp. 

Cách giải: 

Qua khổ thơ thứ 4 đạt ra yêu cầu cho việc học của học sinh như sau:  

- Học tập phải hiểu được bản chất vấn đề. 

- Học tập luôn phải đi đôi với thực hành. 

- Trong học tập rất cần sự vận dụng sáng tạo.


Câu 5:

II. LÀM VĂN (VDC)  

Anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của bản thân về quan điểm: Vì thế nên, lời cha dặn dò/Cũng chưa hẳn đã là điều đúng nhất. (trình bày trong một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ).
Xem đáp án

Phương pháp: 

- Tìm hiểu đề, xác định rõ vấn đề cần nghị luận: Bàn luận về quan điểm:“Vì thế nên, lời cha dặn dò/Cũng chưa hẳn đã là điều đúng nhất” 

- Phân tích, lí giải, tổng hợp.  

Cách giải: 

* Yêu cầu:

- Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn. 

- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận 

1. Giới thiệu vấn đề 

2. Giải thích 

- Những lời cha dặn dò: Là những kinh nghiệm, bài học được người đi trước đúc kết, truyền đạt lại cho thế hệ sau. 

-> Chúng ta nên học hỏi, tiếp thu những bài học thế hệ trước truyền lại. Tuy nhiên không có bài học nào là luôn đúng trong mọi hoàn cảnh, mọi thời đại, mọi góc độ. Vì thế, chúng ta cần phải tiếp thu một cách thông minh, không ngừng phát huy và sáng tạo dựa trên những thứ được học để có được cái nhìn khách quan, đa chiều, làm nên thành quả tốt nhất. 

3. Bàn luận 

- Chân trời tri thức là một chân trời lớn, con người muốn có được tri thức toàn diện cần phải không ngừng nỗ lực, học tập. 

- Chúng ta có thể học từ những người đi trước, học từ cuộc sống, hay thậm chí học từ chính những vấp ngã của bản thân. 

- Nguồn tri thức nhân loại ngày một phát triển, đòi hỏi con người không ngừng đổi mới, tiếp thu những cái mới. 

- Bất kì vấn đề gì cũng có nhiều mặt, chúng ta cần phải sử dụng, vận dụng tri thức một cách thông minh, linh hoạt và phù hợp. 

4. Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân. 

- Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải lắng nghe, học hỏi những kinh nghiệm từ ông cha. Có rất nhiều bài học sâu sắc hữu ích và. 

- Chúng ta luôn tiếp thu những tri thức mới, không ngừng học hỏi nhưng cũng không được đánh mất đi giá trị bản thân.


Câu 6:

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của hồn thơ Xuân Quỳnh qua các khổ thơ sau: 

Ở ngoài kia đại dương 

Trăm ngàn con sóng đó 

Con nào chẳng tới bờ 

Dù muôn với cách trở 

 

Cuộc đời tuy dài thế 

Năm tháng vẫn đi qua 

Như biển kia dẫu rộng 

Mây vẫn bay về xa 

 

Làm sao được tan ra 

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu 

Để ngàn năm còn vỗ” 

(Theo Sóng - Xuân Quỳnh, Sgk Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục, 2008, Tr 156)

Xem đáp án

Phương pháp: 

- Xác định rõ vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp của hồn thơ Xuân Quỳnh qua đoạn trích trong tác phẩm Sóng.

- Biểu cảm, bình luận, phân tích, tổng hợp. 

Cách giải: 

I. Mở bài 

- Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc đời thường. 

- "Sóng" được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), bài thơ đặc sắc về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu hiện lên qua hình tượng sóng: tình yêu thiết tha, nồng nàn, đầy khát vọng và sắt son chung thuỷ, vượt lên mọi giới hạn của đời người. 

- Trích đoạn thơ… 

II. Thân bài 

1. Niềm tin vào tình yêu và cuộc đời  

+) Khổ 7: khẳng định quy luật vĩnh cửu của thiên nhiên “con nào chẳng tới bờ ... Dù muôn vời cách trở”, cũng giống như “em”, dù khó khăn, thử thách vẫn luôn hướng đến “anh”.

+ Trăm ngàn con sóng là cụm từ chỉ số lượng. Dù có muôn vàn con sóng ở ngoài kia thì chúng cũng đều tuân theo một quy luật bất di bất dịch là tìm đến với bờ dù có xa xôi cách trở bao nhiêu.

+ Mượn hình ảnh con sóng, Xuân Quỳnh như muốn khẳng định một điều rằng trái tim người phụ nữ luôn hướng về người mình yêu. Đó không còn là cảm xúc nhất thời mà nó đã trở thành quy luật mà đã là quy luật thì cho dù có bao nhiêu năm tháng đi qua lòng chung thủy ấy cũng không bao giờ biến đổi. Để rồi sau bao nhiêu khó khăn, gian nan thử thách chính lòng chung thủy sẽ giúp con sóng tới được bến bờ mà nó thổn thức nhớ mong đến nỗi không ngủ yên cũng như đưa em đến bên anh sau tháng ngày xa xôi cách trở.

+ Câu thơ như tiếng lòng hay nói đúng hơn là niềm tin mãnh liệt vào một cái kết đầy viên mãn cho một tình yêu vĩnh cửu. 

+) Khổ 8:  

+ Cuộc đời chỉ quỹ thời gian ngắn ngủi của một kiếp người, năm tháng chỉ dòng thời gian vô thủy vô chung. Biển cả chỉ giới hạn không gian trật hẹp trong khi đó mây trời lại chỉ không gian rộng lớn của vũ trụ. Cuộc đời tuy dài nhưng so với dòng chảy vô tận của thời gian nó chỉ là một cái chớp mắt. Tương tự với đó, biển kia tuy rộng nhưng nếu đem so sánh với mây trời thì nó thật nhỏ bé biết bao. Đem đặt cái hữu hạn cạnh cái vô hạn Xuân Quỳnh đã thể hiện nỗi lo ấu trước sự phù du của kiếp người. Rồi một ngày nào đó, anh và em sẽ không còn nữa đồng nghĩa với với việc chúng ta sẽ không thể yêu nhau. 

+ Tuy thế nhà thơ vẫn tin tưởng, tin tưởng ở tấm lòng nhân hậu và tình yêu chân thành của mình sẽ vượt qua tất cả như áng mây kia như năm tháng kia. Có thể nói Xuân Quỳnh yêu thương tha thiết, mãnh liệt nhưng cũng tỉnh táo nhận thức dự cảm những trắc trở, thử thách trong tình yêu; đồng thời cũng tin tưởng vào sức mạnh  tình yêu sẽ giúp người phụ nữ vượt qua thử thách đến với bến bờ hạnh phúc. Cho nên, sóng sẽ đến bờ, năm tháng sẽ đi qua thời gian dài đằng đẵng và đám mây nhỏ bé sẽ vượt qua biển rộng để bay về xa.  

+ Một loạt hình ảnh thơ ẩn dụ được bố trí thành một hệ thống tương phản, đối lập để nói lên dự cảm tỉnh táo, đúng đắn và niềm tin mãnh liệt của nhà thơ vào sức mạnh của tình yêu. Yêu thương mãnh liệt nhưng cao thượng, vị tha. Nhân vật trữ tình khao khát hòa tình yêu con sóng nhỏ của mình vào biển lớn tình yêu

– tình yêu bao la, rộng lớn

– để sống hết mình trong tình yêu, để tình yêu riêng hoá thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thủa. 

2. Khát vọng tình yêu vĩnh cửu. 

- Nhân vật trữ tình khao khát hòa tình yêu con sóng nhỏ của mình vào biển lớn tình yêu – tình yêu bao la, rộng lớn – để sống hết mình trong tình yêu, để tình yêu riêng hoá thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thủa.

- Câu thơ “Làm sao được tan ra” là một câu thơ mang cấu trúc cầu khiến, nghi vấn thể hiện niềm mong ước da diết và hiện thực. 

+ Tan ra là hi sinh, là dâng hiến, là mong được hóa thân. Tan ra thành trăm con sóng là mong ước biến cái hữu hạn thành cái vô hạn. Xuân Quỳnh muốn vượt qua cái hữu hạn của đời người giống như con sóng kia ngàn năm còn vỗ giữa biển lới tình yêu. 

-> Đó là tiếng lòng của một tâm hồn giàu đức hi sinh và lòng cao thượng. Cuộc đời là biển lớn tình yêu, kết tinh vị mặn ân tình, được tạo nên và hòa lẫn cùng trăm con sóng nhỏ. Trong quan niệm của nhà thơ, số phận cá nhân không thể tách khỏi cộng đồng.  

- Sóng không phải là biểu tượng của một cái tôi ngạo nghễ, cô đơn và ích kỷ sóng là sự tổng hòa những vẻ đẹp khác nhau để tạo thành biển lớn. 

- Song song với đó như một lẽ thường tình cái tôi ích kỷ nhỏ bé trật hẹp sẽ không thể tạo nên một tình yêu đẹp. Chỉ có lòng bao dung và trái tim yêu thương vượt lên trên mọi ích kỷ tầm thường để tạo ra một tình yêu vĩnh cửu.  

=> Nhà thơ đã thể hiện một khát vọng mãnh liệt muốn làm trăm con sóng để hòa mình vào đại dương bao la, hòa mình vào biển lớn tình yêu để một đời vỗ muôn điệu yêu thương “Người yêu người, sống để yêu nhau” (Tố Hữu).. 

3. Bình luận vẻ đẹp tình yêu của nhân vật trữ tình trong bài thơ:

- Qua hình tượng sóng bài thơ khắc họa vẻ đẹp tình yêu của người phụ nữ: thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt qua thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người.  

- Từ đó ta thấy vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình, cái tôi Xuân Quỳnh chân thành đằm thắm, mãnh liệt và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường. 

- Tình yêu là một tình cảm cao đẹp, một hạnh phúc lớn lao của con người. 

4. Đặc sắc nghệ thuật: 

- Nhịp điệu độc đáo, giàu sức liên tưởng: thể thơ năm chữ, cách ngắt nhịp, gieo vần, nối khổ linh hoạt

- Giọng điệu tha thiết chân thành, ít nhiều có sự phấp phỏng lo âu. 

- Xây dựng hình tượng sóng như một ẩn dụ nghệ thụât về tình yêu của người phụ nữ.

- Kết cấu song hành: sóng và em 

III. Kết bài: 

- Vẻ đẹp của hồn thơ Xuân Quỳnh qua đoạn thơ 

- Nghệ thuật


Bắt đầu thi ngay

Bài thi liên quan