Đề 15
-
5928 lượt thi
-
6 câu hỏi
-
30 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
“Giấc mơ của anh hề
Thấy mình thành triệu phú (…)
Giấc mơ người hát xẩm nhục nhằn
Thức dậy giữa lâu đài rực rỡ
Thằng bé mồ côi lạnh giá
Thấy trong tay chiếc bánh khổng lồ
Trên đá lạnh, người tù
Gặp bầy chim cánh trắng
Kẻ u tối suốt đời cúi mặt
Bỗng thảnh thơi đứng dưới mặt trời.
Giấc mơ đêm cứu vớt cho ngày
Trong hư ảo người sống phần thực nhất
Cái không thể nào tới được
Đã giục con người
Vươn đến những điều đạt tới
Những giấc mơ êm đềm
Những giấc mơ nổi loạn
Như cánh chim vẫy gọi những bàn tay.
Đời sống là bờ
Những giấc mơ là biển
Bờ không còn nếu chẳng có khơi xa…”
(Trích Giấc mơ của anh hề - Lưu Quang Vũ, Lưu Quang Vũ – Thơ tình, NXB văn học, năm 2002
(NB) Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Phương pháp: Vận dụng những kiến thức về thể thơ đã học.
Cách giải:
Thể thơ tự do.
Câu 2:
(TH) Chỉ ra một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích.
Phương pháp: Áp dụng các biện pháp tu từ đã học.
Cách giải:
+ Liệt kê: những giấc mơ của anh hề, người hát xẩm, cậu bé mồ côi nghèo khổ, người tù…
+ Đối lập (tương phản): anh hề/ trở thành triệu phú; người hát xẩm/ lâu đài rực rỡ; thằng bé mồ côi/ trong tay chiếc bánh khổng lồ; kẻ u tối/ thảnh thơi dưới mặt trời...
+ Phép điệp ngữ: những giấc mơ (Những giấc mơ êm đềm / Những giấc mơ nổi loạn) + Phép so sánh:
Những giấc mơ… như cánh chim vẫy gọi những bàn tay
Đời sống là bờ
Những giấc mơ là biển
Câu 3:
(TH) Anh/Chị hiểu như thế nào về nội dung của các câu thơ:
Cái không thể nào tới được
Đã giục con người
Vươn đến những điều đạt tới
Phương pháp: Đọc đoạn trích, suy luận
Cách giải:
Học sinh có thể có những cách lý giải khác nhau nhưng phải đưa ra được giải thích hợp lý.
- Ước mơ vẫy gọi, thúc giục con người phấn đấu đạt được điều mình mong mỏi;
- Ước mơ thôi thúc con người nỗ lực hành động để biến điều không thể thành điều có thể.Câu 4:
(VD) Anh/Chị có đồng tình với ý thơ sau của tác giả không? Lý giải vì sao?
Đời sống là bờ
Những giấc mơ là biển
Bờ không còn nếu chẳng có khơi xa…
Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp.
Cách giải:
Học sinh có thể trả lời theo suy nghĩ và cảm nhận của mình, lý giải hợp lý.
Câu 5:
II. LÀM VĂN
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) chia sẻ cách anh/chị thực hiện ước mơ của mình.
Phương pháp:
- Tìm hiểu đề, xác định rõ vấn đề cần nghị luận cách thực hiện ước mơ của mình.
- Phân tích, lí giải, tổng hợp.
Cách giải:
* Yêu cầu:
- Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
- Ước mơ: điều tốt đẹp mà con người mong mỏi đạt được, là cái mục tiêu/ mục đích để cho ta phấn đấu, nỗ lực vươn tới.
- Cách để thực hiện ước mơ:
+ Trước hết phải lắng nghe chính mình, xác định được ước mơ của bản thân là gì.
+ Nuôi dưỡng ước mơ.
+ Nỗ lực hành động bằng cách tu dưỡng, học tập, rèn luyện…
+ Quyết tâm theo đuổi mục tiêu.
Học sinh có thể chia sẻ về ước mơ cụ thể, và những cảm nhận từ việc theo đuổi và thực hiện ước mơ đem lại
Câu 6:
Không những trong bộ lịch năm ấy mà mãi mãi về sau, tấm ảnh chụp của tôi vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật. Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông…
(Trích Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12, tập II, NXB Giáo dục Việt Nam)
Phân tích cảm nhận của nghệ sĩ Phùng trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét quan niệm nghệ thuật của nhà văn được thể hiện qua tác phẩm.
Phương pháp:
- Xác định rõ vấn đề cần nghị luận: Phân tích cảm nhận của nghệ sĩ Phùng trong đoạn trích ở cuối tác phẩm. Từ đó, nhận xét quan niệm nghệ thuật của nhà văn qua tác phẩm.
- Biểu cảm, bình luận, phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
I. Mở bài
- Giới thiệu một số nét tiêu biểu về tác giả Nguyễn Minh Châu: Cuộc đời, con người và phong cách nghệ thuật đặc trưng của nhà thơ.
- Nêu khái quát chung về tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”: Hoàn cảnh sáng tác, vị trí, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật.
- Khái quát nội dung của đoạn trích: Phân tích cảm nhận của nghệ sĩ Phùng trong đoạn trích ở cuối tác phẩm. Từ đó, nhận xét quan niệm nghệ thuật của nhà văn qua tác phẩm.
II. Thân bài
1. Vị trí đoạn trích:
Đoạn trích nằm ở đoạn cuối cùng của tác phẩm khi Phùng đã trở về với bức ảnh chụp cảnh biển với bóng dáng người đàn bà thấp thoáng hiện lên trong tâm trí Phùng.
2. Phân tích cảm nhận của nghệ sĩ Phùng.
+ Tấm ảnh là hiện thân của nghệ thuật, cái đẹp, và là kết quả của lao động sáng tạo của nghệ sĩ. Cái đẹp được tôn vinh, và có giá trị lâu dài (mãi mãi về sau, tấm ảnh chụp của tôi vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật).
+ Màu hồng của ánh sương mai biểu hiện cho cái đẹp thi vị, lãng mạn, dễ thấy nên thấy trước, còn hình ảnh người đàn bà hàng chài với đời sống vất vả lam lũ thì khó thấy nên thấy sau, nhưng khi đã phát hiện ra thì không thể quên và không được phép quên.
+ Bức ảnh thể hiện sự ám ảnh của người nghệ sĩ về hiện thực cuộc đời qua hình ảnh và số phận người đàn bà hàng chài. Đó không phải là hiện tượng cá biệt, mà nó đã trở thành biểu tượng cho số phận chung của người lao động nghèo khổ.
3. Nhận xét quan niệm nghệ thuật của nhà văn qua tác phẩm:
+ Quan niệm về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống: nghệ thuật phải gắn liền với cuộc đời.
+ Nhà văn phải có cái nhìn toàn diện, sâu sắc về cuộc đời và con người, phải quan tâm đến số phận con người.
+ Nhắc nhở người nghệ sĩ về điều cốt lõi cho mọi sáng tạo nghệ thuật là số phận con người và sự thật cuộc đời.
+ Nghệ thuật:
++ Sáng tạo hình ảnh giàu tính biểu tượng, chi tiết chọn lọc, có giá trị biểu đạt, gợi mở trong lòng người đọc nhiều ý nghĩa.
++ Văn phong giản dị, trong sáng, giàu suy tư, triết lý.
III. Kết bài:
Khái quát lại nội dung, nghệ thuật.