Đề THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2022 chọn lọc, có lời giải (30 đề)
Đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2022 chọn lọc, có lời giải (Đề 6)
-
21363 lượt thi
-
6 câu hỏi
-
120 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn thơ:
Kim đồng hồ tích tắc, tích tắc
Hai tiếng động nhỏ bé kia
Hơn mọi ầm ào gầm thét
Là tiếng động khủng khiếp nhất đối với con người
Đó là thời gian
Nó báo hiệu mỗi giây phút đi qua không trở lại
Nhắc nhở cái gì đang đợi ta ở cuối
Nhưng anh, anh chẳng sợ nó đâu
Thời gian - đó là chiều dài những ngày ta sống bên nhau
Thời gian - đó là chiều dày những trang ta viết
Bây giờ anh mới hiểu hết câu nói trong kịch Sexpia:
“Tồn tại hay không tồn tại”
Không có nghĩa là sống hay không sống
Mà là hành động hay không hành động
Nhận thức hay không nhận thức
Tác động vào cuộc đời hay quay lưng lại nó?
Anh không băn khoăn mình có tài hay kém tài, thành công hay thất bại
Chỉ day dứt một điều: Làm sao với những sự vật bình thường
Những ngày tháng bình thường
Như chiếc hộp con, như tờ lịch trên tường
Ta biến thành con tàu, thành tấm vé
Những ban mai lên đường.
(Cho Quỳnh những ngày xa - Lưu Quang Vũ, NXB Hội nhà văn, 2010)
Thực hiện các yêu cầu:
Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Thể thơ: tự do.
Câu 2:
Theo đoạn trích, tiếng động khủng khiếp đối với con người là gì?
Tiếng động khủng khiếp đối với con người: Kim đồng hồ tích tắc, tích tắc. Đó là thời gian.
Câu 3:
Anh/ chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào?
Ta biến thành con tàu, thành tấm vé
Những ban mai lên đường.
- Thể hiện khát vọng lên đường, dấn thân, nhập cuộc, sống hết mình với cuộc đời của nhà thơ.
- Mỗi người cần có lối sống tích cực.
Câu 4:
Thông điệp nào của đoạn trích có ý nghĩa nhất với anh/ chị?
Trình bày được:
- Thông điệp ý nghĩa nhất: biết trân trọng thời gian hoặc sống cống hiến...
Câu 5:
II. Làm văn (7.0 điểm)
Anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày về điều bản thân cần làm để sống hết mình với những điều bình dị trong cuộc sống.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Điều bản thân cần làm để sống hết mình với những điều bình dị trong cuộc sống.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ điều bản thân cần làm để sống hết mình với những điều bình dị trong cuộc sống. Có thể theo hướng sau:
Nhận thức được tầm quan trọng của những điều nhỏ bé; mở lòng đón nhận, trân trọng những điều bình dị; hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé, bình dị nhưng vẫn hướng đến cái lớn lao, cao cả.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
Câu 6:
« Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa… »
(Trích Tây Tiến - Quang Dũng, Ngữ văn 12, Tập một, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2019)
Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên và con người miền Tây trong đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về cái nhìn thiên nhiên của nhà thơ Quang Dũng.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Phân tích nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
* Giới thiệu khái quát về tác giả Quang Dũng (0,25 điểm), bài thơ Tây Tiến và đoạn thơ (0,25 điểm)
* Vẻ đẹp thiên nhiên và con người miền Tây:
- Thiên nhiên miền Tây:
+ Thời gian buổi chiều.
+ Không gian “chiều sương” Châu Mộc huyền ảo, phảng phất chút tâm linh của núi rừng, hoang sơ trải rộng như biết chia sẻ nỗi niềm với con người.
- Hình ảnh con người miền Tây mềm mại, uyển chuyển, khỏe khoắn trên con thuyền độc mộc.
- Thiên nhiên và con người miền Tây được thể hiện bằng thể thơ bảy chữ hiện đại, nghệ thuật nhân hóa, phép điệp, đối lập, ngôn ngữ tạo hình, giàu sức gợi, kết hợp giữa chất thơ, chất họa, chất nhạc…
* Đánh giá
- Đoạn thơ mang đậm chất lãng mạn, là phông nền để bộc lộ tâm hồn lãng mạn của người lính Tây Tiến.
- Đoạn thơ thể hiện nỗi nhớ, sự gắn bó với thiên nhiên và con người miền Tây của tác giả.
*Cái nhìn thiên nhiên của nhà thơ Quang Dũng:Cái nhìn thiên nhiên được thể hiện một cách đầy thơ mộng, trữ tình với một hồn thơ đầy tinh tế, nhạy cảm; tạo cho người đọc một cảm giác bâng khuâng, nao lòng trước cảnh đẹp của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc. Bằng chính cái tôi lãng mạn hào hoa của mình, nhà thơ muốn thể hiện sự quyến luyến, nhớ nhung khi phải chia tay thiên nhiên và con người Tây Bắc.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e.Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.