Thứ bảy, 23/11/2024
IMG-LOGO

Đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2022 chọn lọc, có đáp án (Đề 30)

  • 21183 lượt thi

  • 6 câu hỏi

  • 120 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

“Tư duy bó đũa” là một kiểu tư duy cào bằng, không coi trọng giá trị của từng cá nhân. Thử hình dung một xã hội mà ai cũng như ai - những chiếc đũa giống hệt nhau từ chất liệu đến màu sắc, kích thước như chui ra từ một khuôn. Ấy là chưa kể giờ phổ biến loại đũa dùng một lần xong thì vứt bỏ. Ngay cả đũa ngà đũa bạc mà vua chúa thường dùng cũng chỉ quý vì là đồ dùng của bậc vua chúa, chứ hẳn không phải vì giá trị “làm đũa” của nó.

“Tư duy bó đũa” biết đâu có thể là sự đánh lừa chính mình. Làm gì có sức mạnh của cả bó đũa, vì dù đứng chung trong một ống đũa hay được buộc thành một bó, đũa vẫn chỉ là những chiếc đơn lẻ, dễ dàng bị tách khỏi cả bó.

Một người thần kinh bình thường chẳng ai cầm cả bó đũa mà bẻ, kẻ tà tâm sẽ bẻ từng chiếc, từng chiếc đến hết cả bó vì những chiếc đũa tự nó không có chất kết dính để tự gắn chặt vào nhau, hoặc nguy hiểm hơn, quăng cả bó vào đống lửa.

Đũa thì cứ là đũa, đừng cố gắng đua chen làm cột. Nhưng hãy thật cứng cỏi để không ai có thể dễ dàng bẻ gãy dù chỉ là một chiếc đũa. Mỗi chiếc đũa cứng cỏi sẽ tạo nên sức mạnh của cả “bó đũa” chứ không phải là ngược lại.

(Nghĩ khác về chiếc đũa, NGUYỄN THỊ HẬU,ttps://cuoituan.tuoitre.vn)Đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu sau:

Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản

Xem đáp án

Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Nghị luận


Câu 2:

Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: " Thử hình dung một xã hội mà ai cũng như ai - những chiếc đũa giống hệt nhau từ chất liệu đến màu sắc, kích thước như chui ra từ một khuôn. "

Xem đáp án

- Biện pháp tu từ: So sánh:“Những chiếc đũa giống hệt nhau” so sánh với “chui ra từ một khuôn”.

- Tác dụng:

+ Tăng sức gợi hình, gợi cảm, giúp cho cách diễn đạt sinh động hơn.

+ Qua phép tu từ so sánh, tác giả thể hiện trăn trở riêng khi nghĩ về một xã hội mà con người sống theo kiểu rập khuôn, thiếu nét cá tính, độc đáo riêng của mỗi cá nhân.


Câu 3:

Anh/chị hiểu như thế nào về “Đũa thì cứ là đũa, đừng cố gắng đua chen làm cột” của tác giả?

Xem đáp án

Ý kiến “Đũa thì cứ là đũa, đừng cố gắng đua chen làm cột” của tác giả chính là muốn chúng ta hãy sống là chính mình, với tư tưởng và hành động của riêng mình, đừng cố bắt chước người khác. Mỗi người hãy là một “bản thể” độc lập, dù bé nhỏ nhưng sống có ích cho xã hội, cho cuộc đời. Đừng sống như một “bản sao”, bắt chước hành vi, suy nghĩ của người khác để rồi đánh mất bản thân lúc nào không hay biết.


Câu 4:

Anh chị có đồng tình về “Tư duy bó đũa " ở trong văn bản không? Vì sao?

Xem đáp án

HS có thể đồng tình/không đồng tình/ đồng tình một phần trên cơ sở lập luật chặt chẽ, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật

- Khẳng định đồng tình/không đồng tình/ đồng tình một phần (0.25)

- Trình bày ngắn gọn nguyên nhân ( 0.75)

  Gợi ý: Trường hợp đồng tình một phần. Xuất phát từ những nguyên nhân sau:

 Theo em, “Tư duy bó đũa” trong văn bản thể hiện cho người đọc thấy được giá trị của từng “chiếc đũa” là mỗi cá nhân quan trọng thế nào đối với một tập thể là “bó đũa”. Nếu mỗi người đều nỗ lực hết mình vì lợi ích chung của tập thể, không màng đến khó khăn, gian khổ để từng ngày rèn luyện bản thân trở nên “cứng cỏi” hơn thì tập thể đó sẽ ngày càng lớn mạnh và vững chắc hơn. Nỗ lực vì một xã hội tốt đẹp hơn là rất đúng đắn. Nhưng em không tán thành ý kiến của tác giả cho rằng “Làm gì có sức mạnh của cả bó đũa” hay “Những chiếc đũa tự nó không có chất kết dính để tự gắn chặt vào nhau”. Điều này chỉ đúng khi hiểu theo nghĩa đen, “chiếc đũa” chỉ là “chiếc đũa”. Còn trong đoạn văn này, ý tác giả muốn nói đến “chiếc đũa” chính là từng cá nhân mỗi người kết hợp nhau tạo thành. Vì thế em cho rằng, sức mạnh đoàn kết có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống. Bất cứ tập thể, tổ chức hay đất nước nào cũng cần có tinh thần và sức mạnh đoàn kết.


Câu 5:

Phần II. Làm văn (7,0 đim)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về sức mạnh sự cứng cỏi của con người trong cuộc sống.

Xem đáp án
  1. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ

   Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng -phân-hợp, song hành hoặc móc xích.

 b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một vấn đề xã hội: về sức mạnh sự cứng cỏi của con người trong cuộc sống.

  1. Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ về sức mạnh sự cứng cỏi của con người trong cuộc sống. Có thể triển khai theo hướng sau:

- “Cứng cỏi” là thái độ, ý chí vững vàng, không vì yếu mà chịu khuất phục.

- Một tinh thần cứng cỏi, một ý chí mạnh mẽ giúp ta có được sự bản lĩnh và dũng cảm. Người có ý chí và nghị lực là người luôn đương đầu với mọi khó khăn thử thách, là người dám nghĩ, dám làm, dám sống. Câu chuyện về chàng trai Nguyễn Sơn Lâm, chỉ cao chưa đầy một mét, đi phải chống nạng nhưng lại giỏi ba thứ tiếng, anh là người khuyết tật Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đỉnh núi Phan-xi-păng mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác.

- Một tinh thần cứng cỏi giúp bạn khắc phục mọi khó khăn và thử thách. Rèn cho ta niềm tin, thúc đẩy chúng ta luôn hướng về phía trước và vững tin vào tương lai. Người có nghị lực luôn có thể chuyển rủi thành may,  không khuất phục số phận và đổ lỗi cho số phận. Vậy, hãy bước ra ngoài và luyện tập sự cứng cỏi về tinh thần. Hiếm ai có thể mạnh mẽ và cứng cỏi hơn Nelson Mandela cựu Tổng thống Nam Phi - người đã nói “Bí quyết của sự thành công là biết cách chấp nhận những cái không thể, làm một việc gì đó mà thiếu đi những thứ cần thiết và biết cách chịu đựng việc thiếu đi sự thông cảm”. Thử thách bản thân hàng ngày với một kỹ năng mà bạn chưa thành thạo để có thể cải thiện sự tự tin của mình khi gặp khó khăn. Rèn luyện bản thân để tự tin hơn và giữ vững ý thức trách nhiệm là cách để luyện tập bản thân mỗi ngày một cứng cỏi hơn, mãnh mẽ hơn. Nhưng trong xã hội vẫn có một số người có suy nghĩ mềm yếu, không kiên định, lối sống ỷ lại, không có tinh thần phấn đấu.

- Bài học: Thế hệ trẻ hôm nay cần không ngừng rèn đức luyện tài để có thể vững vàng tiến về phía trước. Bằng việc chấp nhận và vượt qua những thử thách thì bạn sẽ trở nên cứng cỏi hơn bao giờ hết. Vì sự cứng cỏi của thể xác thì có hạn, nhưng sự cứng cỏi của tâm hồn thì vô hạn

d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.


Câu 6:

Ta về mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi,

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng,

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng,

Nhớ cô em gái hái măng một mình.

Rừng thu trăng rọi hòa bình,

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

                                                                                (Trích Việt Bắc, Tố Hữu)

Cảm nhận của Anh/Chị về vẻ đẹp được xem là bức tranh “Tứ bình” trong đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người trong cái nhìn của nhà thơ Tố Hữu.

Xem đáp án
  1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận về một đoạn thơ ( có ý phụ)

  Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. (Nếu cảm nhận đoạn thơ mà không làm rõ ý phụ phần nhận xét thì không tính điểm cấu trúc

  1. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

  Vẻ đẹp được xem là bức tranh “Tứ bình” trong đoạn thơ;quan hệ giữa thiên nhiên và con người trong cái nhìn của nhà thơ Tố Hữu.

  1. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:

3.1.Mở bài: 0.25

– Giới thiệu Tố Hữu và bài thơ “Việt Bắc”.

– Nêu vấn đề cần nghị luận

3.2.Thân bài: 3.50

  1. Khái quát về bài thơ, đoạn thơ: 0.25 đ

- Về hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, cảm hứng chung của tác phẩm;

- Vị trí, nội dung đoạn thơ.

  1. Cảm nhận nội dung, nghệ thuật đoạn thơ: 2.5đ

- Về nội dung: (2.0đ):

  + Mở đầu đoạn thơ là câu lục bát giới thiệu, mang cảm xúc chung cho toàn đoạn, là lời người cán bộ kháng chiến về xuôi hỏi người ở lại :

                             Ta về mình có nhớ ta

                   Ta về ta nhớ những hoa cùng người

 Câu hỏi tu từ “mình có nhớ ta ”vừa là lời thoại nhưng đồng thời vừa là cái cầu nối sang câu dưới, là cái cớ để bày tỏ tấm lòng của mình. Cách xưng hô “mình - ta ” vốn là cách xưng hô quen thuộc trong ca dao xưa để nói về tình cảm nam nữ và nó đi vào trong thơ Tố Hữu nhẹ nhàng mà đằm thắm.

 Nhớ nhất, lưu luyến nhất “hoa cùng người ”. “Hoa ” ở đây là thiên nhiên; thiên nhiên đẹp, tươi sáng như “hoa ” vậy. Hòa vào thiên nhiên ấy là con người. “Hoa cùng người ” là hai đường nét khăng khít không thể tách rời trong bức tranh bốn mùa Việt Bắc. Hai câu thơ mở đầu đã thể hiện rõ chủ đề đoạn thơ, đó là “hoa và người ” Việt Bắc.

+ Tám câu thơ tiếp theo lại tràn ngập ánh sáng, đường nét và màu sắc tươi tắn. Cảnh và người hòa quyện vào nhau.

+ Mùa đông nhớ màu “xanh ” của núi rừng Việt Bắc, nhớ màu “đỏ tươi ” của hoa chuối như những ngọn lửa thắp sáng rừng xanh; nhớ người đi nương đi rẫy “dao gài thắt lưng” trong thế mạnh mẽ hào hùng đứng trên đèo cao “nắng ánh ”.

+ Màu “xanh ” của núi rừng, màu “đỏ tươi ” của hoa chuối, màu sáng lấp lánh của “nắng ánh ” từ con dao... đã hòa hợp với nhau làm nổi bật sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của thiên nhiên Việt Bắc, con người Việt Bắc đang làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời trong kháng chiến. Tố Hữu đã có một cái nhìn phát hiện về sức mạnh tinh thần làm chủ tập thể của nhân dân ta do cách mạng và kháng chiến mang lại. Người lao động sản xuất thì hào hùng đứng trên “đèo cao ” nắng ánh và lộng gió.

+ Nhớ ngày xuân Việt Bắc là nhớ hoa mơ “nở trắng rừng”. Chữ “trắng” là tính từ chỉ màu sắc được động từ hóa, gợi lên một thế giới hoa mơ bao phủ khắp mọi cánh rừng Việt Bắc màu trắng thanh khiết, mênh mông và bao la.

+ Nhớ “mơ nở trắng rừng”, nhớ người thợ thủ công đan nón “chuốt từng sợi giang”. Có khéo léo, kiên trì, tỉ mỉ mới có thể “chuốt từng sợi giang” để đan thành những chiếc nón, chiếc mũ phục vụ kháng chiến. Người đan nón được nhà thơ nói đến tiêu biểu cho vẻ đẹp tài hoa của đồng bào Việt Bắc.

+ Nhớ Việt Bắc là nhớ mùa hè với tiếng ve kêu làm nên khúc nhạc rừng, là nhớ màu vàng của rừng phách, là nhớ cô thiếu nữ đi “hái măng một mình ” giữa rừng.

+ Âm thanh “ve kêu ” được tác giả cảm nhận bằng sắc vàng rực, sóng sánh “đổ ” loang cả rừng phách. Tiếng ve kêu như trút xuống, “đổ” xuống thúc giục ngày hè trôi nhanh, làm cho rừng phách thêm vàng. Câu thơ thứ hai là một câu đặc sắc, giàu âm điệu, thanh điệu: có vần lưng (“gái ” vần với “hái”), có điệp âm qua các phụ âm “m” (“măng” - “một” - “mình”). Đây là những vần thơ nên họa nên nhạc, tạo nên một không gian nghệ thuật đẹp và vui, đầy màu sắc âm thanh. “Cô gái hái măng một mình ” nhưng không cô đơn, lẻ loi vì cô đang lao động giữa khúc nhạc rừng (tiếng ve kêu), hái măng để góp phần nuôi quân.

+ Mùa thu Việt Bắc: Khác với ba bức tranh trên là cảnh ngày thì bức tranh thu này là cảnh đêm. Màu sắc bao trùm là những ánh trăng lung linh rọi qua các vòm cây, tán lá tạo nên một khung cảnh yên bình và thơ mộng.

+ Người cán bộ về xuôi nhớ vầng trăng Việt Bắc giữa rừng thu, trăng rọi qua tán lá xanh, trăng thanh mát rượi màu “hòa bình ” nên thơ. Trong đêm trăng thanh thanh bình là khung cảnh rất hợp với những cuộc hát đối đáp dao duyên. Bởi thế, trong câu kết đoạn thơ là một nỗi nhớ về tiếng hát. Đại từ ai phiếm chỉ, “nhớ ai ” là nhớ về tất cả, về mọi người dân Việt Bắc giàu tình nghĩa thủy chung, đã hi sinh quên mình cho cách mạng và kháng chiến. Qua lời lẽ ấy, người đọc cảm nhận sâu sắc hơn cái phẩm chất ân tình, thủy chung gắn bó của những con người Việt Bắc.

- Về nghệ thuật: ( 0.5)

+ Hình ảnh đẹp; âm điệu ngọt ngào, tha thiết; cách xưng hô gần gũi, quen thuộc; phép điệp ngữ, liệt kê…

+ Sử dụng thể thơ lục bát, kết cấu đối đáp quen thuộc trong ca dao, ngôn ngữ đậm sắc thái dân gian, giọng thơ tâm tình ngọt ngào, bút pháp miêu tả đặc sắc…

  1. Nhận xét mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người trong cái nhìn của nhà thơ Tố Hữu.0.75đ

 - Hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc trong cái nhìn của nhà thơ Tố Hữu có sự gắn bó, hoà quyện với nhau. Thiên nhiên như một sinh thể đang biến đổi trong từng khoảnh khắc, có đủ bốn mùa Đông-Xuân-Hè-Thu. Thiên nhiên ấy càng đáng yêu, càng sinh động hơn khi xuất hiện con người. Họ là những người làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời. Họ chính là nét đẹp chủ đạo của bức tranh Việt Bắc. Chính họ đã gợi lên được nỗi nhớ da diết cho người ra đi. ( 0.25)

- Mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người trong đoạn thơ đã làm sáng tỏ hơn phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu: thơ trữ tình chính trị, đậm đà tính dân tộc từ nội dung đến hình thức. ( 0.5)

3.3.Kết bài: 0.5

- Kết luận về nội dung, nghệ thuật đoạn thơ. Khẳng định ý nghĩa vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Bắc trong hoài niệm của người về xuôi.

- Nêu cảm nghĩ của bản thân.

  1. Sáng tạo

  Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

  1. Chính tả, dùng từ, đặt câu

  Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu


Bắt đầu thi ngay