Chủ nhật, 12/01/2025
IMG-LOGO

Đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2022 chọn lọc, có lời giải (Đề 10)

  • 21478 lượt thi

  • 6 câu hỏi

  • 120 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Nếu bước chân vào bất kì bệnh viện nào và hỏi bác sĩ về “bệnh vô cảm”, chắc chắn bạn sẽ không nhận được câu trả lời. Bởi đó là căn bệnh tồn tại ngoài xã hội chứ không phải đơn thuần trên giường bệnh. “Bệnh vô cảm” là tình trạng chai sạn của tâm hồn, là thái độ sống thờ ơ, lãnh đạm trước những gì diễn ra xung quanh mình. Đáng sợ hơn là nó diễn ra ngay cả trước những đau khổ, mất mát của con người. Một ngày, bạn không còn biết yêu thương và cũng không căm ghét, không cảm nhận được hạnh phúc và cũng  không động lòng trước đau khổ, không có khát vọng sống có ý nghĩa… thì ắt hẳn, bạn đang có những “triệu chứng” của căn bệnh vô cảm đáng sợ kia. Nó không làm con người ta đau đớn hay chết đi về thể xác nhưng lại làm trái tim và tâm hồn chết dần trong sự lạnh lẽo. Và phải chăng “cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời, sự mất mát lớn nhất là bạn để tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống” như lời Nooc- man Ku- sin đã khẳng định?

(Theo Bài tập ngữ văn 12, Tập hai, NXB GD, 2013)

Thực hiện các yêu cầu:

Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Xem đáp án

Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận


Câu 2:

Theo tác giả, những “triệu chứng” của thói vô cảm là gì?

Xem đáp án

Theo tác giả những “triệu chứng” của thói vô cảm: không còn biết yêu thương và cũng không căm ghét, không cảm nhận được hạnh phúc và cũng không động lòng trước đau khổ, không có khát vọng sống có ý nghĩa…


Câu 3:

Anh/ chị hiểu như thế nào về câu nói của Nooc- man Ku- sin: “cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời, sự mất mát lớn nhất là bạn để tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống”?

Xem đáp án

Ý nghĩa của câu nói:

Theo Nooc- man, cái chết không phải là điều đáng sợ nhất mà tâm hồn chai sạn, lụi tàn khiến cuộc sống con người bất hạnh hơn cái chết.


Câu 4:

Thông điệp sống có ý nghĩa nhất mà anh/ chị rút ra từ văn bản trên.

Xem đáp án

HS có thể trình bày quan điểm cá nhân, thông điệp có ý nghĩa, phù hợp với chuẩn mực đạo đức. Lập luận chặt chẽ, thuyết phục. Mỗi người cần ý thức sâu sắc về mối nguy hại của bệnh vô cảm để phòng chống căn bệnh này.


Câu 5:

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Từ đoạn trích trong phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trả lời câu hỏi: Mỗi người cần làm những gì để “tâm hồn không tàn lụi ngay khi còn sống”?

Xem đáp án

a. Đảm bảo yêu cầu hình thức

    Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ); Được trình bày theo cách: diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

    Mỗi người cần làm những gì để “tâm hồn không tàn lụi ngay khi còn sống”

c. Triển khai vấn đề nghị luận

    Thí sinh vận dụng các thao tác lập luận để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách, có thể trình bày theo một vài gợi ý sau:

- Để “tâm hồn không tàn lụi ngay khi còn sống” mỗi người cần biết tự bồi đắp cho mình những giá trị sống tốt đẹp: lòng nhân ái, sự sẻ chia, lối sống vì cộng đồng,…

- Việc tự bồi đắp, làm giàu có tâm hồn ở mỗi người không tách rời với việc nuôi dưỡng, biết lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp không chỉ ở ngay trong bản thân mình mà còn ở người khác.

d. Chính tả, ngữ pháp

    Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

   Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.


Câu 6:

Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, nhà văn Nguyễn Minh Châu hai lần miêu tả hành động van xin của người đàn bà hàng chài:

Tại bờ biển, khi bị chồng đánh và chứng kiến cảnh đứa con trai - thằng Phác - đánh lại bố: “Người đàn bà dường như lúc này mới cảm thấy đau đớn – vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã.

- Phác, con ơi!

Miệng mếu máo gọi, người đàn bà ngồi xệp xuống trước mặt thằng bé, ôm chầm lấy nó rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy.”

Và tại tòa án huyện, khi chánh án tòa án huyện - Đẩu – yêu cầu bỏ chồng: “Người đàn bà hướng về phía Đẩu, tự nhiên chắp tay lại vái lia lịa:

- Con lạy quý tòa… Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được,

đừng bắt con bỏ nó…”

                                                            (Trích Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục 1016, tr 69)

Hãy phân tích hình ảnh người đàn bà hàng chài trong hai lần miêu tả trên. Từ đó, làm rõ vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật này.

Xem đáp án

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

    Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

    Phân tích hai chi tiết của người đàn bà hàng chài trong truyện “Chiếc thuyền ngoài xa”, thấy được vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật này.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

    Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

- Nguyễn Minh Châu là một trong số “những nhà văn mở đường tài hoa và tinh anh nhất”. Ông luôn thiết tha truy tìm những hạt ngọc ẩn giấu nơi bề sâu tâm hồn.

Chiếc thuyền ngoài xa in trong tập truyện ngắn cùng tên, tác phẩm đem đến cái nhìn đúng đắn về cuộc sống và con người.

- Tác giả đã tìm thấy một trong những hạt ngọc ẩn giấu ấy trong tâm hồn người đàn bà hàng chài.

* Phân tích hai chi tiết

-  Giới thiệu khái quát về người đàn bà hàng chài: Không tên tuổi, ngoại hình xấu xí, thô kệch, Số phận đau khổ, bất hạnh: Nghèo khổ, lam lũ, vất vả,nạn nhân của nạn bạo hành gia đình.

- Phân tích chi tiết hành động vái lạy đứa con trai

+ Hoàn cảnh xuất hiện:

+/ Người đàn bà, sau một đêm thức trắng kéo lưới, theo người đàn ông lên bờ, chờ chồng đánh.

+/ Thằng Phác lao tới, giằng chiếc thắt lưng, quật vào lão đàn ông. Gã đàn ông tát thằng bé hai cái khiến nó lảo đảo ngã dúi xuống cát….

+ Ý nghĩa của hành động:

+/ Cầu xin thằng bé tha thứ, mụ day dứt, mặc cảm vì chưa trọn phận làm mẹ. Mụ đã không thể che chở cho tâm hồn ngây thơ non nớt ấy tránh được vết thương tâm hồn.

+/ Van nài thằng bé giữ trọn đạo hiếu của kẻ làm con.

=> Đó là nghịch lí của cuộc đời và cũng là hành động của người mẹ rất mực thương con, xót đau.

* Phân tích chi tiết hành động vái lạy quý tòa

- Hoàn cảnh xuất hiện: Chứng kiến cảnh ngộ của người đàn bà “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, với tư cách là người bảo vệ công lí cho nhân dân, chánh án Đẩu đã mời người đàn bà đến và yêu cầu người đàn bà li hôn.

- Ý nghĩa của hành động:

+ Cầu xin không ly hôn với chồng, quyết không giải phóng cuộc đời mình => nghịch lí, trớ trêu, khó hiểu

+ Thể hiện sự cam chịu, nhẫn nhục thậm chí nhu nhược, đớn hèn không dám đấu tranh để giải phóng số phận của nhân vật => cái nhìn bề ngoài.

=> Đó là hành động của con người chấp nhận đớn đau để có hạnh phúc. Nghịch lí đó khiến Phùng và Đẩu nhận ra, cuộc đời không đẹp, không lãng mạn nên thơ như chiếc thuyền ngoài xa bồng bềnh trong sương hồng. Đây cũng là cơ hội để họ thấu hiểu về cuộc đời.

* Vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài qua hai chi tiết

-  Vẻ đẹp của một người đàn bà từng trải, sâu sắc lẽ đời.

- Vẻ đẹp khoan dung, nhân hậu, hi sinh, vị tha:

- Vẻ đẹp tình mẫu tử thiêng liêng:

+ Chị luôn tìm mọi cách để bảo vệ con, bảo vệ tâm hồn non nớt của thằng Phác:

+ Chị không bỏ chồng vì  “Người đàn bà hàng chài chúng tôi sống cho con chứ không phải sống cho mình” và niềm hạnh phúc của người đàn bà ấy là “ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…”

=> Đánh giá

+ Đây là những chi tiết nghệ thuật độc đáo mà NMC đã dụng công xây dựng để khắc họa vẻ đẹp của người đàn bà hàng chài. Từ hành động ấy, tác giả đã giúp ta phát hiện ra “hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn của nhân vật”.

+ Người đàn bà hàng chài là đại diện tiêu biểu cho cuộc đời và phẩm chất của người phụ nữ vùng biển nói riêng, người phụ nữ VN nói chung.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo

 Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ


Bắt đầu thi ngay