IMG-LOGO

Đề 28

  • 7454 lượt thi

  • 6 câu hỏi

  • 30 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích: 

Ở quanh con, người tử tế vẫn nhiều

Vẫn còn có bao điều tốt đẹp

Xa danh lợi hãy chịu nhiều thua thiệt

Hãy vì người, nếu mong họ vì con.

 

Rách cho thơm, dẫu đói thì phải sạch

Tình thương yêu không mua được bằng tiền

Cần gỗ tốt, nước sơn còn phải tốt

Oán bên lòng, ơn khắc dạ đừng quên.

 

Nếu vấp ngã, con tự mình đứng dậy

Muốn tập bơi, cứ nhảy xuống giữa dòng

Thà mất cả, cố giữ gìn danh dự

Sống thẳng mình, mặc kệ thế gian cong.

 (Nói với con, Nguyễn Huy Hoàng ,Nguồn http://baophunuthudo.vn/article)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Xác định thể thơ của văn bản?

Xem đáp án
Thể thơ tự do

Câu 2:

Chỉ ra những câu tục ngữ dân gian mà tác giả sử dụng trong đoạn thơ thứ hai? Việc vận dụng tục ngữ dân gian đó có tác dụng gì?

Xem đáp án

- Những câu thơ có vận dụng tục ngữ dân gian:

+ Rách cho thơm, dẫu đói thì phải sạch (Tục ngữ: Đói cho sạch, rách cho thơm)

+ Cần gỗ tốt, nước sơn cần phải tốt (Tục ngữ: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn)

-Việc vận dụng tục ngữ dân gian trong đoạn thơ thứ hai có tác dụng:

+Thể hiện sự am hiểu sâu sắc vốn văn hoá dân gian của nhà thơ; tạo nên ý thơ cô đọng, hàm súc;

+Giúp cho người đọc hiểu được dù cuộc sống có khó khăn nhưng con người vẫn phải giữ cho tâm hồn được trong sạch, phải tự tìm lấy hạnh phúc chứ không phải mua hạnh phúc bằng tiền.

Câu 3:

Anh,chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào?

Ở quanh con, người tử tế vẫn nhiều

Vẫn còn có bao điều tốt đẹp

Xa danh lợi hãy chịu nhiều thua thiệt

Hãy vì người, nếu mong họ vì con.

Xem đáp án

Hiểu nội dung của các dòng thơ :

- Thể hiện niềm tin với mọi người, với cuộc sống;

- Gợi lẽ sống cao đẹp: sống vị tha, hãy vì mọi người mà biết chấp nhận thiệt thòi về mình, đừng để danh lợi cám dỗ

- Bộc lộ tình thương, sự quan tâm và trách nhiệm của người cha

Câu 4:

Những lời tâm sự “nói với con”của nhà thơ được thể hiện trong đoạn trích gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?

Xem đáp án

- Qua đoạn trích trên, có thể thấy rằng người cha đã nói với con nhiều điều: hãy sống vì mọi người mà chấp nhận thiệt thòi, đừng để bị cám dỗ bởi đồng tiền, vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống…

          - Suy nghĩ của bản thân: Thế giới này luôn tồn tại nhiều mặt trái, thế nhưng lòng tốt vẫn chiếm số đông. Mặt khác, con người cần sống tỉnh táo bởi lòng người phức tạp khó lường, sau những mất mát vẫn phải biết hy vọng nhìn về tương lai, cơ hội đến với con người thật hiếm hoi và phải tinh tường mới nhận ra và quan trọng hơn là phải biết nắm bắt lấy cơ hội đó. Phải có niềm tin vào con người.

Câu 5:

Phần II. Làm văn (7,0 đim)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc “Sống thẳng mình” của con người trong cuộc sống hôm nay.

Xem đáp án

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ

         Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng -phân-hợp, song hành hoặc móc xích.

 b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một vấn đề xã hội: ý nghĩa của việc “Sống thẳng mình” của con người trong cuộc sống hôm nay.

c. Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý nghĩa của việc “Sống thẳng mình” của con người trong cuộc sống hôm nay. Có thể triển khai theo hướng sau:

-“Sống thẳng mình” là phải biết đối diện với sự thật, sống theo sự thật, không gian dối, lừa gạt.

- Ý nghĩa của việc “Sống thẳng mình”:

       +Việc sống thẳng mình tạo cho con người có bản lĩnh vững vàng, không bị dao động, lung lay ý chí, không cúi đầu trước bạo lực, bất công, không bị cám dỗ bởi tiền tài, địa vị, danh lợi;

       +Việc sống thẳng mình đem lại uy tín của bản thân trước tập thể , tạo được niềm tin với mọi người;

       +Việc sống thẳng mình làm cho tâm hồn cảm thấy bình an, thanh thản, nhẹ nhàng.

+Người có đức tính ngay thẳng sẽ góp phần làm cho xã hội phát triển, lành mạnh, đem lại công bằng bình đẳng giữa con người với nhau.

+ Sống thẳng mình không có nghĩa là làm việc gì cũng nguyên tắc và cứng nhắc mà không có sự linh hoạt mềm dẻo trong học tập và công tác.

-       Bài học nhận thức và hành động:

     + Mỗi người, nhất là tuổi trẻ phải nhận thức được sống thẳng mình là lối sống đẹp, đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng.

     + Mỗi người cần có hành động cụ thể: rèn cho mình tính sống thẳng mình, biết giữ gìn đạo đức, nhân cách, đấu tranh chống lại lối sống thực dụng, ích kỉ, vụ lợi, tham nhũng.

d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 6:

Sóng thác đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất, cả cái luồng nước vô sở bất chí ấy bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò […]. Mặt sông trong tích tắc lòa sáng lên như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng. Nhưng ông đò vẫn cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệch đi như cái luồng sóng đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vào chỗ hiểm. Tăng thêm mãi lên tiếng hỗn chiến của nước của đá thác. Nhưng trên cái thuyền sáu bơi chèo, vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái. Vậy là phá xong cái trùng vi thạch trận vòng thứ nhất. Không một phút nghỉ tay nghỉ mắt, phải phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật. Ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này. Vòng đầu vừa rồi, nó mở ra năm cửa trận, có bốn cửa tử một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn. Cưỡi lên thác sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ. Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá. Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy cái luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy. Bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử. Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến. Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền. Chỉ còn vẳng reo tiếng hò của sóng thác luồng sinh. Chúng vẫn không ngớt khiêu khích, mặc dầu cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng vào cửa sinh nó trấn lấy. Còn một trùng vây thứ ba nữa. Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó. Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được. Thế là hết thác…. 

                              (Trích Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, tập một)

       Anh/chị hãy phân tích hình tượng nhân vật ông lái đò trong đoạn trích trên. Từ đó , nhận xét cái nhìn mang tính phát hiện về con người của nhà văn Nguyễn Tuân.

Xem đáp án

1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận về một đoạn văn xuôi

          Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

        Hình tượng nhân vật ông lái đò trong đoạn trích; nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về con người của nhà văn Nguyễn Tuân.

3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:

3.1.Mở bài: 0.25

- Nguyễn Tuân là nhà văn tiêu biểu của văn xuôi hiện đại Việt Nam.

- Tuỳ bút Người lái đò sông Đà là tác phẩm tiêu biểu thể hiện rõ sự vận động trong tư tưởng và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám 1945.

-Nhân vật ông lái đò thể hiện rõ cách nhìn mang tính phát hiện của ông về con người lao động Việt Nam, người lái đò vô danh – chất vàng mười của tâm hồn Tây Bắc, nhân vật điển hình cho những người lao động bình dị đã và đang sống, lao động làm giàu cho Tổ quốc.

3.2.Thân bài: 3.50

a. Khái quát về nhân vật , đoạn trích: 0.25 đ

- Về hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, nội dung, nghệ thuật của tác phẩm;

- Vị trí, nội dung đoạn trích.

b. Cảm nhận vẻ đẹp của ông đò trong đoạn trích: 2.5đ

- Về nội dung: (2.0đ)

+ Vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ ở hình ảnh ông lái đò:

++ Ông lái đò được đặt trong tình huống thử thách đặc biệt: chiến đấu với thác dữ sông Đà, vượt qua ba trùng vi thạch trận bằng tài nghệ “tay lái ra hoa”.

++ “nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá”và ung dung chủ động  trong hình ảnh “trên thác hiên ngang người lái đò sông Đà có tự do, vì người lái đò ấy đã nắm được cái quy luật tất yếu của dòng nước Sông Đà”

++ Rất nghệ sĩ trong hình ảnh “nắm chắc lấy cái bờm sóng đúng luồng, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh…”; với lũ đá nơi ải nước, “đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến”, con thuyền trong sự điều khiển của ông lái: “như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được.”…

++ Nhận xét: Việc đưa con thuyền tìm đúng luồng nước, vượt qua bao cạm bẫy của thạch trận sông Đà quả thực là một nghệ thuật cao cường từ một tay lái điêu luyện.

+Vẻ đẹp trí dũng ở hình ảnh ông lái đò:

++ Một mình một thuyền, ông lái giao chiến với sóng thác dữ dội như một viên dũng tướng luôn bình tĩnh đối đầu với bao nguy hiểm: “ông lái đò cố nén vết thương…hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái…” , mặc dù “mặt méo bệch đi” vì những luồng sóng “ đánh đòn âm, đánh đòn tỉa”, “nhưng trên cái thuyền sáu bơi chèo, vẫn nghe tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái”

++ Đối mặt với thác dữ sông Đà, ông đò có một lòng dũng cảm vô song: “Cưỡi lên thác sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ” …

++ Ông lái đò khôn ngoan vượt qua mọi cạm bẫy của thác ghềnh, đưa con thuyền vượt thác an toàn khi “ những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền”, còn lũ đá thì  thất vọng thua cái thuyền”…  Cuộc đọ sức giữa con người với thiên nhiên thật ghê gớm, căng thẳng, đầy sáng tạo và con người đã chiến thắng.

++ Nhận xét:Vẻ đẹp người lái đò Sông Đà là vẻ đẹp của người anh hùng lao động trong công cuộc dựng xây cuộc sống mới của đất nước.

 - Về nghệ thuật: ( 0.5)

 +Tạo tình huống đầy thử thách cho nhân vật; chú ý tô đậm nét tài hoa, nghệ sĩ; sử dụng ngôn ngữ phong phú, sáng tạo, tài hoa;

+Kết hợp kể với tả nhuần nhuyễn và đặc sắc, bút pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa, liên tưởng độc đáo, thú vị;

+Vận dụng tri thức của nhiều ngành văn hóa, nghệ thuật góp phần miêu tả cuộc chiến hào hùng và khẳng định vẻ đẹp tâm hồn nhân vật.

c. Nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về con người của nhà văn Nguyễn Tuân. 0.75đ

 - Qua nhân vật ông lái đò, Nguyễn Tuân có cách nhìn mang tính phát hiện về người lao động mới. Ông đò tiêu biểu là người anh hùng, cũng là nghệ sĩ trong môi trường làm việc và trong công việc của mình khi dám đương đầu với thử thách và đạt tới trình độ điêu luyện trong công việc. Nhà văn đã phát hiện ra “chất vàng mười đã qua thử lửa” của ông đò bằng phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác với thể tuỳ bút vừa giàu tính hiện thực, vừa tràn ngập cái tôi phóng túng đầy cảm hứng, say mê…

- Qua cách nhìn nhân vật ông đò, nhà văn bày tỏ tình cảm yêu mến, trân trọng, tự hào về con người lao động Việt Nam. Nếu trước đây, ông thường khắc họa người anh hùng trong chiến đấu, người nghệ sĩ trong nghệ thuật và thuộc về quá khứ “vang bóng một thời”thì đến tác phẩm này, ông tìm thấy anh hùng và nghệ sĩ ngay trong con người lao động thường ngày, trong công việc bình thường và trong nghề nghiệp cũng bình thường. Nguyễn Tuân còn khẳng định với chúng ta rằng chủ nghĩa anh hùng cách mạng đâu phải chỉ dành riêng cho cuộc chiến đấu chống ngoại xâm mà còn thể hiện sâu sắc trong việc xây dựng đất nước và chinh phục thiên nhiên.

3.3.Kết bài: 0.25

- Kết luận về nội dung, nghệ thuật vẻ đẹp hình tượng ông đò;

     - Nêu cảm nghĩ về người lao động làm nên cái đẹp cho cuộc đời.

4. Sáng tạo                                                   

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

5. Chính tả, dùng từ, đặt câu                        

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

Bắt đầu thi ngay

Bài thi liên quan