Trắc nghiệm: Đề kiểm tra giữa kỳ I Lịch sử 9 (có đáp án)
-
3904 lượt thi
-
4 câu hỏi
-
45 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
Đọc đoạn thông tin:
Ngày 8 - 8 - 1967, Hiệp hội các nước Đông Nam Á được thành lập (ASEAN) tại Băng Cốc (Thái Lan) với sự tham gia của các nước: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Xin-ga-po, Thái Lan. Hội nghị đã ra bản Tuyên ngôn thành lập ASEAN, sau này được gọi là tuyên bố Băng Cốc, xác định mục tiêu của ASEAN là phát triển kinh tế, văn hóa thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các thành viên, trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
a) Mục tiêu hoạt động của ASEAN là:phát triển kinh tế, văn hóa thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các thành viên, trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
b) Việt Nam gia nhập ASEAN đã tạo ra thời cơ và thách thức:
* Thời cơ:
- Nền kinh tế Việt Nam được hội nhập với nền kinh tế các nước trong khu vực, đó là cơ hội để nước ta vươn ra thế giới.
- Tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách phát triển giữa nước ta với các nước trong khu vực.
- Có điều kiện để tiếp thu những thành tựu khoa học - kĩ thuật tiên tiến trên thế giới, học hỏi kinh nghiệm quản lí của các nước trong khu vực.
- Đảm bảo an ninh quốc phòng trên cơ sở an ninh chung của khu vực.
* Thách thức:
- Nếu không tận dụng được cơ hội để phát triển thì nền kinh tế của Việt Nam sẽ có nguy cơ tụt hậu.
- Cạnh tranh về kinh tế, việc làm quyết liệt giữa các nước.
- Hội nhập những dễ bị hòa tan, đánh mất bản sắc và truyền thống văn hóa của dân tộc.
- Việt Nam cần bình tĩnh, không bỏ lỡ cơ hội, ra sức học tập, nắm vững khoa học - kĩ thuật.
Câu 2:
Nêu sự kiện với các mốc thời gian thể hiện phong trào giải phóng dân tộc của châu lục được mệnh danh là “Lục địa mới trỗi dậy” từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay? Ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc Apácthai?
Thời gian | Sự kiện |
1960 | |
1993 | |
4 - 1994 | |
5 - 1994 |
Lời giải:
- Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi phát triển mạnh mẽ. Châu Phi được mệnh danh là “Lục địa mới trỗi dậy”.
Thời gian | Sự kiện |
1960 | 17 nước châu Phi tuyên bố độc lập, lịch sử gọi là “Năm châu Phi”. |
1993 | Chính quyền của người da trắng Nam Phi tuyên bố xóa bỏ chế độ A-pác-thai. |
4 - 1994 | Cuộc bầu cử đa chủng tộc đầu tiên ở Nam Phi. |
5 - 1994 | Nen-xơn Man-đê-la trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của nước Cộng hòa Nam Phi. |
- Ý nghĩa lịch sử:
+ Chế độ phân biệt chủng tộc vĩnh viễn bị xoá bỏ ngay tại sào huyệt cuối cùng của nó sau hơn ba thế kỉ tồn tại.
+ Nhân dân Nam Phi bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước.
+ Đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới.
Câu 3:
Đọc các nội dung sau:
+ Duy trì hòa bình và an ninh thế giới.
+ Đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
+ Phát triển mối quan hệ giữa các quốc gia, các dân tộc.
+ Thực hiện hợp tác quốc tế về kinh tế, văn hóa, xã hội.
+ Giúp đỡ các nước phát triển kinh tế, xã hội.
a) Nhiệm vụ và vai trò của Liên hợp quốc:
- Nhiệm vụ:
+ Duy trì hòa bình và an ninh thế giới.
+ Phát triển mối quan hệ giữa các quốc gia, các dân tộc.
+ Thực hiện hợp tác quốc tế về kinh tế, văn hóa, xã hội.
- Vai trò:
+ Đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.Giúp đỡ các nước phát triển kinh tế, xã hội.
b) Suy nghĩ về vai trò tổ chức Liên hợp quốc hiện nay:
- Trải qua hơn 70 năm phát triển, Liên hợp quốc hiện nay trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia của hầu như toàn bộ các quốc gia trên thế giới.
- Liên hợp quốc ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới; thực hiện hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực.
- Ngày nay, Liên hợp quốc đứng trước thách thức to lớn về việc giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu như: ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, chiến tranh thương mại,…
Câu 4:
Cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật có ý nghĩa vô cùng to lớn như một cột mốc chói lọi trong lịch sử tiến hóa văn minh của loài người, mang lại những tiến bộ phi thường, những thành tựu kì diệu và những thay đổi to lớn trong cuộc sống của con người. Nhưng mặt khác, cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật đã mang lại những hậu quả tiêu cực…
a) Những mặt tiêu cực của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật:
- Chế tạo các loại vũ khí và các phương tiện quân sự có sức tàn phá và hủy diệt sự sống hàng loạt. Gây ra nạn ô nhiễm môi trường (ô nhiễm khí quyển, đại dương, sông hồ...). Nhiễm phóng xạ nguyên tử, tai nạn lao động, tai nạn giao thông gắn liền với kĩ thuật mới, dịch bệnh và tệ nạn xã hội...
b) Liên hệ bản thân và nơi em sinh sống:
* Tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội:
- Những năm gần đây, ô nhiễm môi trường ở Hà Nội tăng nhanh đến mức báo động. Đó là ô nhiễm ở môi trường nước, ô nhiễm bầu không khí, ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn, ô nhiễm tiếng ồn,…
- Nguyên nhân: chủ yếu từ các phương tiện giao thông, công trình xây dựng, rác thải sinh hoạt,…
* Là học sinh em cần:
- Học tập, rèn luyện, nâng cao ý thức cá nhân về bảo vệ môi trường, tầm quan trọng của bảo vệ mội trường.
- Tham gia trực tiếp vào công tác tuyên truyền, giáo dục về ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường ở trường, lớp, gia đình và ngoài xã hội.
- Tìm tòi, học hỏi, khám phá để tìm ra những giải pháp thiết thực, giúp giải quyết và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.